Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làn sóng đình công của ngành hàng không châu Âu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hãng hàng không Đức Lufthansa ước tính thiệt hại do cuộc đình công gây ra có thể lên tới 100 triệu EUR.

KTĐT - Hãng hàng không Đức Lufthansa ước tính thiệt hại do cuộc đình công gây ra có thể lên tới 100 triệu EUR.

Làn sóng đình công cũng như cảnh báo bãi công của nhân viên các hãng hàng không lớn ở châu Âu đang đe dọa nghiêm trọng giao thông hàng không tại châu lục này và các công ty hàng không thế giới sẽ tiếp tục thua lỗ khoảng 5,6 tỷ USD trong năm nay.

Theo dự đoán của IATA, cơ quan đại diện cho 230 công ty hàng không quốc tế, chiếm 93% vận chuyển hàng không thế giới, mặc dù thời điểm tồi tệ nhất đã qua, song năm 2010 vẫn là năm có nhiều thách thức rất lớn đối với ngành hàng không quốc tế.

Làn sóng bãi công ở châu Âu

Tại Pháp, hàng trăm chuyến bay tại hai sân bay chính ở Paris bị hủy bỏ hoặc hoãn lại vào ngày 23/2 khi nhân viên thuộc bộ phận điều khiển không lưu bắt đầu cuộc đình công trong 4 ngày để phản đối kế hoạch thống nhất việc kiểm soát giao thông hàng không châu Âu, do lo ngại có thể gây mất việc làm và gây thiệt hại cho nhân viên.

Hơn 80% số nhân viên phục vụ phi hành đoàn thuộc hãng hàng không Anh (BA) đồng ý sẽ tổ chức đình công vào đầu tháng 3 tới nhằm phản đối việc ngừng tăng lương và sự khác biệt về điều kiện làm việc đối với các nhân viên mới. BA đã quyết định ngừng tăng lương trong vòng 2 năm và sa thải thêm 1.700 nhân viên nhằm cắt giảm chi phí và làm ăn có lãi để sát nhập với hãng hàng không Iberia của Tây Ban Nha. Hiện giới lãnh đạo BA đang đàm phán với đại diện của nghiệp đoàn, đồng thời tiến hành đào tạo phi công và phi hành đoàn thay thế để đảm đương công việc trong trường hợp diễn ra đình công.

Hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa cho biết, hơn 4.000 phi công tham gia công đoàn phi công Cockpit đang tiến hành cuộc đình công 4 ngày bắt đầu từ ngày 22/2 do bất đồng về vấn đề bảo hiểm việc làm và áp dụng những điều khoản của luật lao động Đức đối với cả các phi công nước ngoài mà Lufthansa thuê, những người chấp nhận làm việc với khoản lương bổng ít hơn và điều kiện căng thẳng hơn. Cuộc đình công đã khiến hãng buộc phải huỷ bỏ khoảng 800 chuyến bay trong ngày, gây tình trạng hỗn loạn tại các sân bay.

Trước đó, theo Cơ quan Hàng không Ireland (IAA), hơn 150 chuyến bay đến và rời Ireland đã buộc phải hoãn lại trong 4 giờ khi 300 kiểm soát viên không lưu tại 3 sân bay lớn của Ireland gồm Dublin, Cork và Shannon tiến hành bãi công đòi tăng lương.

Thiệt hại trầm trọng

Hãng hàng không Đức Lufthansa ước tính thiệt hại do cuộc đình công gây ra có thể lên tới 100 triệu EUR. Bộ trưởng Giao thông Đức Peter Ramsauer cảnh báo, cuộc đình công sẽ giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Đức và kêu gọi một sự "thoả hiệp khôn ngoan" giữa các phi công và giới lãnh đạo Lufthansa.

Các cuộc đình công làm ngành hàng không châu Âu nghiêng ngả, đặc biệt trong bối cảnh Tổng giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) G.Bisingani vừa nhận định: Ngành hàng không dân dụng thế giới cần ít nhất 3 năm để khôi phục vị thế sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 6 thập kỷ trở lại đây.

Theo báo cáo của IATA, năm 2009, tổng thiệt hại của các công ty hàng không thế giới lên tới 11 tỷ USD, mà nguyên nhân trước hết là do số lượng hành khách đi máy bay sụt giảm mạnh nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong năm 2009, nhu cầu vận chuyển hành khách đã giảm 3,5% so với năm 2008 với tỉ lệ đầy chuyến là 75,6%, trong khi nhu cầu vận tải hàng hoá cũng giảm tới 10,1% với tỉ lệ đầy chuyến chỉ là 49,1%.

Tuy nhiên, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng không quốc tế sụt giảm mạnh nhất vào tháng 2/2009 so với một năm trước đó, thì có sự phục hồi trong tháng 12/2009. Trong tháng cuối cùng của năm 2009, nhu cầu chuyên chở hành khách đã tăng 4,5% và vận tải hàng hóa cũng tăng 24,4%.

Theo Hiệp hội các hãng hàng không châu Âu, lưu thông hàng hoá của các hãng hàng không châu Âu giảm 12,7% trong những tháng cuối năm 2009. Vận chuyển hàng hoá trên các tuyến thương mại lớn nhất của châu Âu đến Viễn đông vẫn giảm 20,9% trong năm 2009. Tổng giám đốc IATA cảnh báo rằng, năm 2010 cũng được xem là một năm khó khăn đối với các công ty hàng không, vì vậy, cần phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chi phí.