Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lắng đọng “Những người sống bên tôi”

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã ngấp nghé tuổi thất thập, nhưng nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Vũ Huyến chưa phút nào vơi nhiệt huyết với nghề.

Một lần nữa, ông lại khiến giới cầm máy lẫn công chúng trầm trồ khi cho ra mắt cuốn sách ảnh “Những người sống bên tôi” đầy điệu nghệ nhưng chân tình và giàu trải nghiệm.

Tác phẩm: “Tin mới” của Vũ Huyến. Ảnh: Tác giả Vũ Huyến cung cấp

NSNA Vũ Huyến được biết đến với vai trò nhà nghiên cứu, lý luận phê bình và giảng dạy nhiếp ảnh, nhưng rạng rỡ nhất ở ông là gần nửa thế kỷ rong ruổi cùng máy ảnh và những khoảnh khắc đẹp. Trước khi hoạt động phê bình, ông từng làm việc ở Báo ảnh Việt Nam, lăn lộn thường trú ở trong và ngoài nước suốt nhiều năm. Chỉ đến khi làm lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, ông mới tập trung cho hoạt động lý luận, phê bình. 100 tác phẩm in trong 120 trang “Những người sống bên tôi” đã đã giúp ông nói về những tháng ngày đó.
Cuốn sách không lời giới thiệu, chỉ có một tuyên ngôn: “Chụp là để trực tiếp nói về con người và những gì liên quan đến số phận của họ”. Vì thế, mỗi “đứa con tinh thần” của Vũ Huyến đều chân thật và được chụp hoàn toàn tự nhiên, tuyệt đối không dàn dựng hay qua photoshop. Đằng sau mỗi khuôn hình còn thể hiện một vấn đề của cuộc sống và cả câu chuyện lao động nghệ thuật của tác giả.
Đơn cử như bức ảnh có một không hai “Thánh Gióng”, chụp vào 9 giờ 9 phút, ngày 9/9/2010. “Tôi chụp bức ảnh này vào thời điểm bức tượng sắp trở thành công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ “Hô thần nhập tượng” để 10 ngày sau làm lễ khánh thành. Theo giấy mời, 19 giờ phải có mặt tại chùa Phúc Khánh để tới Sóc Sơn dự lễ. Nhưng, tôi đã lường trước sự việc, một mình chạy xe máy lên đỉnh Sóc từ 15 giờ để chọn góc đẹp nhất. Gần 20 giờ 30 phút, đoàn nhà báo T.Ư và Hà Nội mới có mặt tại đỉnh núi và phải đi bộ từ đường lên đỉnh nên ai cũng mệt. Cùng với đó, có khoảng 5.000 phật tử cả nước kéo về nên hết chỗ đẹp. Khi chiếc khăn phủ 500m2 kéo xuống, tôi bấm lia lịa. Tuy nhiên, hôm đó, gần 3 giờ sáng tôi mới về đến nhà trong tình trạng bụng rỗng vì phải chờ hàng ngàn người đi bộ xuống hết mới đi xe máy được. Sau đó, có rất nhiều người xin lại bức ảnh này để in, treo”. Câu chuyện giản dị về một bức ảnh ấy cho người ta thấy rõ nét phong thái và độ say nghề của Vũ Huyến. Nếu ông không phán đoán được tình hình, chủ động đi từ chiều thì sẽ chẳng thể nào ghi lại được khoảnh khắc hiếm có này.

Tác giả Vũ Huyến chia sẻ về quá trình chụp tác phẩm “Thánh Gióng”. Ảnh: Hồ Hạ

“Những người sống bên tôi” của Vũ Huyến còn khiến người xem yêu thích bởi cá tính nhiếp ảnh được thể hiện khá rõ nét. Chẳng hạn, vào bảo tàng Louvre của Pháp, mọi người thường chụp tranh, tượng nhưng Vũ Huyến lại chụp thái độ một bà cụ ngồi xe lăn òa khóc khi xem tranh. Bức “Tin mới” chụp cụ ông bán điếu cày ngồi vắt chân đọc báo ở hồ Thiền Quang lại nhấn mạnh, người Việt Nam luôn có ham muốn được biết thông tin, dù đó là người bán điếu cày. “Bữa cơm chiều trên sông” là tình cảm của tác giả với những người dân chài lam lũ trên những con sông thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, thật thà, luôn tự tin vào cuộc sống… Và có lẽ, chính trải nghiệm qua nhiều năm cầm máy, phê bình, lý luận nhiếp ảnh và giảng dạy, làm báo đã giúp Vũ Huyến phát hiện nhanh những hiện tượng, sự việc để trực tiếp phản ánh đời sống qua hình ảnh. Tác phẩm “Câu chuyện của hai người” là một bức ảnh như thế. Dù không nhìn thấy mặt của hai nhân vật trong ảnh, nhưng người xem vẫn nhận ra chiến tranh, sự chia ly, xa cách…
Một điều nữa làm nên sự hấp dẫn của “Những người sống bên tôi” là tinh thần lạc quan, pha chất hài hước trong từng bức ảnh. Bức “Nghệ thuật không dành cho tất cả” chụp cô gái bán rau xem triển lãm là ví dụ. Hay bức “Đón tết Nguyên đán” ghi lại hình ảnh anh bạn ngồi trên xích lô tay đỡ cây quất nở nụ cười thật thà. Hiện lên từ nụ cười đó là hạnh phúc giản đơn ấm áp và thanh bình.
Gấp lại “đứa con tinh thần” của Vũ Huyến, những khoảnh khắc đầy ấn tượng với nhiều cung bậc cảm xúc vẫn hiện hữu trong tâm trí người xem. Bởi phía sau đó chất chứa bao tâm huyết, nhọc nhằn, cống hiến và hy sinh của tác giả suốt gần 50 năm cầm máy.