Mong muốn của chị là làm sao để mỗi mảnh đời phải chịu nỗi đau da cam được sưởi ấm, được nở nụ cười trên môi!
Niềm vui nhân đôi
27 Tết Canh Dần, khi nhà nhà đang bận rộn lo đón năm mới, chị Trần Thị Phương Dung vẫn tất tả trên đường. Chuyến đi này đối với chị rất quan trọng… Bởi lẽ, chị biết rằng, niềm vui đón Tết sẽ được nhân lên khi chị mang đến cho 100 gia đình nạn nhân chất độc da cam những món quà tình nghĩa mà thiết thực.
Hội trường chật kín người. Nhìn những gương mặt già nua, khắc khổ nhưng ánh mắt ai cũng sáng lên niềm vui khi được nhận quà từ Công ty Chứng khoán Thăng Long, chị Dung cứ tưởng như chính mình đang được nhận quà vậy. Thực ra, trước khi có 100 xuất quà này, chị đã phải tích cực vận động Ban lãnh đạo Công ty Chứng khoán Thăng Long ủng hộ 100 xuất quà (200.000 đồng và túi quà trị giá 50.000 đồng) cho các nạn nhân chất độc da cam quận Đống Đa và Hai Bà Trưng. Sau buổi trao quà ấy, cán bộ Công ty Chứng khoán Thăng Long cảm nhận được sự chu đáo trong tổ chức cũng như tấm lòng hồn hậu và nhiệt thành của chị nên đã đề nghị tiếp tục trao thêm 100 xuất quà nữa cho các nạn nhân da cam. Lúc đó đã là 27 Tết, chị nối máy điện thoại cho các đơn vị quận huyện và phấn khởi báo tin về những xuất quà đó nhưng họ đều từ chối: "Tết nhất, mọi công việc chúng tôi đã khoá lại rồi. Chị thông cảm".
Chị Dung rất buồn và lòng chẳng yên khi chưa đưa được những món quà ấy đến với nạn nhân da cam. Ngày hôm sau, chị điện thoại sang hội nạn nhân chất độc da cam Đông Anh. Người quê nên tình người bao giờ cũng ấm! Các cán bộ hội đã nhiệt tình đón nhận với niềm trân trọng! Ngày cuối năm, trời vẫn rét đậm. Nhưng với chị Dung cái rét ấy thật ngọt và lòng người ấm lại! Tết ấy chị có niềm vui nhân đôi!
Cho người ta "cái cần câu"!
Một buổi sáng vừa thức dậy, chưa kịp đến trụ sở Hội Nạn nhân chất độc da cam Hà Nội, chị đã nhận được cuộc điện thoại. Tiếng đầu dây bên kia rất lạ mà lại báo tin: "Con bò của cô cho nhà bà Nguyễn Thị Thiện đã sinh thêm một con bê rồi". Dù chưa nhận ra người báo tin, chị Dung vẫn thấy lòng rộn niềm vui. Vậy là công sức, tâm huyết của chị đã có hiệu quả.
Câu chuyện được bắt đầu từ chuyến chị cùng chị Nguyễn Mạnh Hà (Công ty Chứng khoán Thăng Long) sang Đông Anh tặng quà. Chị đã dè dặt nói với chị Hà về cảnh ngộ gia đình chị Thiện - nạn nhân chất độc da cam ở xã Phượng Cách - huyện Quốc Oai mà chị vừa mới đọc được trên báo: Chồng chết để lại 3 con đều bị nhiễm chất độc da cam. Không những thế, cả nhà có một con bò cũng vừa bị chết. "Tôi muốn bên chị tài trợ cho gia đình này một con bò khác. Họ khổ quá", chị Dung nói. Cũng là người phụ nữ giàu tình nhân ái, chị Hà đề nghị chị Dung xác minh lại, công ty sẽ tài trợ theo nguyện vọng của chị. Thế là chẳng quản ngày cận Tết, chị Dung phóng xe máy về Phượng Cách, gặp gỡ gia đình chị Thiện. Nước mắt chị rơi không biết bao lần khi nghe người phụ nữ này kể về nỗi khổ của mình và các con. Chị thầm hứa với lòng mình, bằng mọi cách phải vận động cho kỳ được một con bò để tặng gia đình chị Thiện!
Sau Tết, cùng với cán bộ Công ty Chứng khoán Thăng Long, chị Dung về thăm lại gia đình chị Nguyễn Thị Thiện. Chị Thiện đã không cầm được nước mắt khi nhận số tiền gần 7 triệu đồng từ tấm lòng của cán bộ công nhân Công ty Chứng khoán Thăng Long. Ôm lấy chị Dung, chị nói: "Mẹ con em không biết lấy gì để đáp lại tấm lòng của chị!" Trước khi về, chị Dung gửi gắm với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phượng Cách: "Các anh quan tâm đến việc mua bò của gia đình chị Thiện giúp em. Có tin vui gì anh báo em nhé!"
Hơn nửa năm, tin vui về gia đình nạn nhân da cam ở Phượng Cách đến với chị thật bất ngờ. Chị báo tin con bò sinh thêm con bê cho chị Hà cùng bạn bè: "Giờ mẹ con chị Thiện đã có cần câu cơm để sống rồi!"
Tình yêu chân thành!
"Một năm có 365 ngày, có chăng chỉ khoảng 5 ngày nạn nhân chất độc da cam được xã hội quan tâm, thăm hỏi. Còn lại những 360 ngày những họ phải lặng lẽ gánh chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần"- Chị Trần Thị Phương Dung- Phó Chủ tịch, Giám đốc Quĩ hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội đã tâm sự - "Vậy nên nếu ai đó cố gắng thu xếp thời gian đến thăm nom nạn nhân chất độc da cam, không cứ phải là vật chất, có khi chỉ là lời động viên, một cuộc điện thoại… với họ vô cùng quí giá và ấm áp tình người".
Chị Trần Thị Phương Dung vốn là cán bộ chính sách làm việc tại Bộ Tư lệnh Thủ đô. Từ những năm tháng công tác ấy, chị đã được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều cán bộ quân đội là những cựu chiến binh, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn. Ngày ấy, xã hội còn chưa hiểu nhiều về nỗi đau của nhiều gia đình do ảnh hưởng của chất độc da cam. Tuy nhiên, với chị Dung, ai cũng như ai, trong những cảnh gặp khó khăn, chị luôn thấy mình cần phải có trách nhiệm, đặc biệt là trong việc giúp họ làm các thủ tục chính sách. Đã có lần một cựu chiến binh hỏi: "Sao cháu nhiệt tình giúp bác thế?", chị Dung đã trả lời rất đơn giản rằng: "Cháu được sinh ra khi đất nước đã bình yên, sau được hưởng cuộc sống hòa bình nhờ bao xương máu của cha ông, của các bác đã đổ xuống. Vì thế bây giờ làm giúp các bác được việc gì là trách nhiệm của chúng cháu, để đền đáp công ơn của cha ông, của thế hệ đi trước"
Khi nghỉ hưu, chị Dung đã tình nguyện sang làm cán bộ không lương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội. Ngày đầu thành lập hội (2004), mọi phương thức hoạt động của hội rất giản đơn, chị Dung đến từng nhà thăm hỏi động viên các hội viên. Chị vẫn còn nhớ, trường hợp cậu bé Thanh Tùng đàn bầu ở phố Thể Giao - Hai Bà Trưng. Khi ấy Tùng sống với ông nội, được học Nhạc viện và vươn lên khẳng định tài năng âm nhạc; được nhiều người biết đến. Nhưng, trong gia đình Tùng còn có một nỗi đau lớn hơn, đó là người chị gái tên Thuý suốt ngày nằm một chỗ. Thông cảm với nỗi đau của gia đình, sau giờ làm việc, chị Dung thường lại qua thăm hỏi, động viên. Biết mẹ Thuý làm nghề thợ may, chị Dung đến may quần, áo, như là một cách giúp đỡ mẹ con Thúy.
Chị Dung bộc bạch: "Những cựu chiến binh, thanh niên xung phong nhiễm chất độc da cam đã khổ lắm rồi, vậy nên khi có thể thì hãy cố gắng giúp họ với tất cả khả năng mình có. Họ không đi được, tôi mang xe máy đến tận nhà để đèo đi. Khó khăn về vật chất, tôi đến các doanh nghiệp kêu gọi tài trợ. Bạn bè bảo, có hâm hay không khi nghỉ hưu mà vẫn bận như con mọn. Từ đấy tôi cứ lặng lẽ mà làm…".
Tấm lòng nhân ái của người phụ nữ này cứ lan toả theo không gian và thời gian. Không chỉ đối với những nạn nhân chất độc da cam mà chị còn tặng học bổng thường xuyên cho những học sinh xuất sắc của trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa - Hà Nội). Năm học trước, khi về Thái Nguyên, chị đã nhận bảo trợ toàn bộ số tiền học phí cho 6 học sinh ở trường THPT Phú Bình.
Những ngày hè nắng bỏng rát hay những ngày đông lạnh buốt, không quản ngại, chị Dung vẫn khi thì đến với từng nạn nhân da cam để chia sẻ, khi thì đến với từng doanh nghiệp để vận động ủng hộ. Người phụ nữ giàu lòng nhân ái ấy lấy lời dạy của người cha - NSƯT Trần Hạnh là phương châm sống: "Cứ tự nhiên mà sống!", và niềm hạnh phúc của chị là được thấy trên môi mỗi mảnh đời bất hạnh mang nỗi đau da cam nở thêm những nụ cười!
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân của 80 triệu lít chất độc hóa học mà Mỹ đã rải ở Việt Nam từ năm 1961 đến 1971. Trong số đó, phụ nữ chiếm tỉ lệ khoảng 34%, nam giới khoảng 66%. Có khoảng 85% số hộ có 2 nạn nhân, 3% số hộ có 5 nạn nhân, cá biệt có hộ có đến 15 nạn nhân. Hoàn cảnh sống của các gia đình nạn nhân hiện rất khó khăn, số hộ nghèo khó chiếm 50 - 60%. Hàng vạn người do bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh đã bị ung thư và các bệnh nan y, nay đã chết. Hàng triệu người và cả con, cháu họ bị dị dạng, dị tật đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc hóa học gây ra. - Hoàng Trâm |