Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làng nghề gặp khó khi vào vụ mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nhiều làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội rơi vào cảnh "chợ chiều" vì sản phẩm tiêu thụ khó khăn. Đến thời điểm này, dù đã bước vào vụ mới, nhưng hoạt động sản xuất của nhiều làng nghề vẫn khá trầm lắng.

Sản xuất cầm chừng

Tới làng nghề sản xuất két sắt Đại Tự, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức thời điểm này vẫn nghe tiếng máy cắt, máy mài kim loại ken két vang lên. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Đích, chủ một cơ sở sản xuất, thì đa số các hộ chỉ làm cầm chừng để "giữ chân" công nhân. Anh Đích cho biết, thời điểm này đầu năm ngoái, cơ sở của anh làm không kịp, nhưng năm nay, đơn hàng giảm rất nhiều. Trong 2 tháng qua, anh Đích mới xuất xưởng được khoảng 300 két sắt. "Dù vậy, tôi vẫn phải đi vay thêm vốn để duy trì việc làm cho 12 lao động, nếu không sau này có việc thì không tìm được công nhân có tay nghề" - anh Đích chia sẻ.

Không quá ảm đạm như làng nghề Đại Tự, tại Khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề chế biến gỗ xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, không khí làm việc khá sôi động. Máy cưa, máy xẻ chạy xè xè, tiếng đục đẽo vang lên choang choác. Thế nhưng, hầu hết các cơ sở sản xuất vẫn chưa "vào nhịp". Chị Nguyễn Thị Loan, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Loan Cận cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ sở của chị mới sản xuất được 14 bộ tủ do khách đặt hàng, giá mỗi chiếc 6,2 triệu đồng, trong khi đó phải thuê tới 5 nhân công. Hoạt động sản xuất chủ yếu tạo công ăn việc làm cho lao động, còn lãi suất không cao. Đây cũng là tình trạng chung của hơn 220 hộ sản xuất của làng nghề mộc này.

Sản xuất két sắt tại làng nghề Đại Tự, xã Kim Chung huyện Hoài Đức.	 Ảnh: hải long
Sản xuất két sắt tại làng nghề Đại Tự, xã Kim Chung huyện Hoài Đức. Ảnh: Hải Long

Cách trung tâm TP Hà Nội chừng 30km, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, được xem là một trong những địa chỉ cung ứng các mặt hàng mây tre đan lớn nhất cho thị trường trong và ngoài nước, tuy nhiên, vào thời điểm này, hoạt động sản xuất của làng nghề có phần khá đìu hiu. Dọc con đường dẫn từ Quốc lộ 6 vào tới làng Phú Vinh, chỉ thấy các hộ gia đình làm với quy mô nhỏ lẻ từ 1 - 2 nhân công. Ông Đỗ Hữu Tiện, một hộ làm nghề cho biết, từ đầu năm tới nay, gia đình ông mới xuất được 1 lô hàng, chủ yếu là hàng tồn từ cuối năm trước, trừ chi phí, thu lãi khoảng 5 - 7 triệu đồng. 

Cần cơ chế giúp “vực dậy” làng nghề  

Nguyên nhân khiến cho hoạt động sản xuất của các làng nghề rơi vào tình trạng trầm lắng là do thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu năm vẫn khá chậm. Giá một số nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán sản phẩm vẫn giữ nguyên. Đơn cử, tại làng nghề đồ gỗ Liên Hà, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng bình quân 1 - 2 triệu đồng/m3, trong đó có những loại gỗ quý như xoan đào tăng 3 triệu đồng/m3 (hiện ở mức 12 triệu đồng/m3). Hơn nữa, ông Nguyễn Văn Khải - Trưởng Ban quản lý Khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề xã Liên Hà cho biết, tiền thuế đất của các hộ sản xuất hiện vẫn ở mức cao, 5.200 đồng/m2. Với các hộ sản xuất có diện tích lớn, tiền thuế thuê mặt bằng sẽ rất cao. Do đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi kịp thời giúp các hộ dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất.

Tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, nếu cách đây 2 năm, giá mây, song sợi chỉ khoảng 70 đồng/m thì nay đã tăng lên tới 120 đồng/m. Giá nhân công cũng tăng từ khoảng 50.000 đồng/người/ngày lên 70.000 - 80.000 đồng/ngày/người. Ngoài ra, việc thiếu vốn cũng là lý do khiến hoạt động của làng nghề Phú Vinh không thể "đi xa", "đấu chọi" và chiếm lĩnh thị phần với các sản phẩm tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ khác. Do đó, mong muốn của người làm nghề nơi đây là các cấp chính quyền sớm cho thành lập một Hiệp hội làng nghề nhằm hỗ trợ người dân tốt hơn trong vấn đề vay vốn, chủ động và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt vừa ký ban hành Kế hoạch số 41/KH-BCĐ về nội dung hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề TP năm 2014. Theo đó, trong năm nay, Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề TP triển khai 12 nội dung công việc trọng tâm như: Hướng dẫn các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã triển khai chính sách khuyến khích phát triển làng nghề TP; làm việc với các quận, huyện, thị xã về đề án phát triển làng nghề kết hợp với du lịch tại một số làng nghề; chương trình xử lý ô nhiễm môi trường và xây dựng thương hiệu làng nghề... Hy vọng, những giải pháp này sẽ sớm "vực dậy" sản xuất của các làng nghề trên địa bàn TP.

 
Thực tế đầu năm 2014, giá nguyên vật liệu đầu vào đã tăng khoảng 20% so với năm trước. Trong khi đó, giá bán sản phẩm vẫn phải giữ nguyên. Thêm vào đó, lụa Vạn Phúc còn chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các mặt hàng của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Để tăng cường quảng bá sản phẩm lụa Vạn Phúc, trong tháng 4 tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức một số hội chợ giới thiệu sản phẩm của làng tới du khách trong và ngoài nước...

Ông Phạm Khắc Hà- Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc