Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làng nghề huyện Phú Xuyên: Tưng bừng vào hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã thành thông lệ, cứ đến ngày 24/10 hàng năm, các làng nghề trên địa bàn huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội) lại nô nức tham gia Lễ hội làng nghề.

Đây không chỉ là dịp tôn vinh những người làm nghề có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương mà còn là dịp để Phú Xuyên quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủ công độc đáo của địa phương tới du khách gần xa, thúc đẩy làng nghề phát triển.

 

Náo nức làng nghề

 

Ông Nguyễn Văn Ánh có thâm niên gần 30 năm trong nghề da giày, cũng là 1 trong 6 thợ giỏi của xã tham gia tranh tài trong Lễ hội làng nghề tâm sự: "Những người thợ giỏi ở Phú Yên đã tham dự nhiều cuộc thi lớn về hàng thủ công mỹ nghệ trong cả nước và tạo được tiếng vang lớn, nhưng tham gia cuộc thi tại quê hương, được biểu diễn cách làm giày cổ truyền cho thế hệ trẻ học tập, tôi vẫn không khỏi háo hức, hồi hộp".

 
Một gian hàng tại Làng nghề da giày truyền thống Phú Yên, huyện Phú Xuyên.   Ảnh: Tú Anh
Một gian hàng tại Làng nghề da giày truyền thống Phú Yên, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Tú Anh
Năm nay, Lễ hội làng nghề huyện Phú Xuyên được tổ chức từ 24 - 27/10, tại xã Phú Yên. Để chuẩn bị cho Lễ hội, cả tuần nay, các gian hàng trên đoạn đường hơn 2km từ đầu cầu Giẽ đến cầu Cống Thần đều được trang hoàng lộng lẫy; khách đến tham quan, mua sắm cũng đông hơn ngày thường. Nhiều băng rôn, khẩu hiệu tôn vinh làng nghề, khích lệ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… được treo trang trọng. Khắp các xóm, nhà văn hóa trung tâm, đình làng, nhà thờ tổ nghề giày… tưng bừng cờ hoa, sắc màu rực rỡ. Ông Nguyễn Lương Đức - Chủ tịch Hiệp hội da giày Phú Yên chia sẻ: Tham gia Lễ hội lần này, Phú Yên có 150 gian hàng. Điều khác biệt là các gian hàng được tận dụng ngay địa điểm cửa hàng, cửa hiệu của các hộ kinh doanh, buôn bán giày dép trên địa bàn. Ngoài ra, khu trung tâm sẽ có 50 gian hàng của các làng nghề trong huyện về tham dự cùng các không gian dành cho các chương trình văn hóa nghệ thuật, hội thi tay nghề… Hiện, nghề da giày ở Phú Yên thu hút trên 2.000 lao động tại địa phương và hàng ngàn lao động từ các vùng lân cận đến làm công và học nghề, mỗi năm sản xuất ra 5 triệu đôi giày dép các loại.

 

Nhân lên các giá trị truyền thống

 

Ông Nguyễn Chí Quân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, những năm qua, các làng nghề ở huyện Phú Xuyên có vị trí đặc biệt quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn huyện có 124 làng có nghề với 38 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện, làng nghề trong huyện đã tạo việc làm cho trên 23.000 lao động tại địa phương, thu nhập của lao động làng nghề đạt 22,3 triệu/năm. Nhiều mặt hàng có truyền thống lâu đời như khảm trai, sơn mài được xuất khẩu sang các thị trường Đông Âu, Mỹ, Nhật, Ba Lan… với kim ngạch liên tục tăng, tạo việc làm cho lao động nông nhàn, nâng cao giá trị sản xuất của địa phương. Tuy nhiên, làng nghề ở huyện Phú Xuyên cũng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Quy mô sản xuất của các hộ còn nhỏ lẻ theo kiểu gia đình, mẫu hàng còn đơn điệu… Đặc biệt, nhiều làng nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường nên luôn bị động trong sản xuất, kinh doanh và bị ép giá. Tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý, tiếng ồn và bụi… Hầu hết các hộ làng nghề đều tổ chức sản xuất tại nhà trong khi hạ tầng chưa đảm bảo, mặt bằng chật hẹp, gây khó khăn trong công tác vận chuyển nguyên vật liệu và kìm hãm sự phát triển của làng nghề… Thông qua Lễ hội làng nghề cùng những biện pháp hỗ trợ khác như: Khuyến công, đào tạo nghề, quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề, huyện Phú Xuyên hy vọng sẽ góp phần tạo sức bật mới cho người làm nghề nói riêng và cho làng nghề nói chung.

 

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, huyện Phú Xuyên phấn đấu, đến năm 2015, sẽ quy hoạch 8 điểm làng nghề ở các xã xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng đang xây dựng kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề với tổng diện tích 60ha, trong đó điểm công nghiệp 30ha, giao thông làng nghề 10ha, các dự án xử lý chất thải… Hy vọng với những quyết tâm và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp, huyện Phú Xuyên sẽ tạo ra nhiều thành tích mới trong giữ gìn và phát triển làng nghề.