Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làng nghề phát triển mạnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều làng nghề trên địa bàn huyện Thạch Thất vẫn trụ vững và phát triển mạnh mẽ. Sản xuất làng nghề đã và đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trên "xứ sở của những ngôi nhà đá ong".

Trụ vững trong khó khăn

Đến các làng nghề mộc Chàng Sơn, Hữu Bằng, Canh Nậu, Dị Nậu của huyện Thạch Thất thời điểm này dễ nhận thấy một không khí sôi động. Trên đường, xe máy, xe cải tiến, ô tô chở gỗ nguyên liệu và đồ gỗ thành phẩm đi lại nườm nượp phản ánh rõ nhất bức tranh "ăn nên làm ra" của các làng nghề. Ông Nguyễn Khương Được, chủ cơ sở sản xuất đồ mộc Khương Được, thôn 2, xã Chàng Sơn cho biết, mặc dù kinh tế suy thoái, tiêu thụ sản phẩm khó khăn hơn trước, song sản xuất của làng nghề vẫn  được duy trì ổn định. Các đại lý đồ gỗ trong nội thành và các tỉnh, thành lân cận vẫn về lấy hàng thường xuyên. Cơ sở của ông Được hiện vẫn duy trì 6 lao động làm nghề với tiền công từ 150.000 - 250.000 đồng/người/ngày. "Trong khó khăn, để giữ sản xuất ổn định,  phương châm hàng đầu của chúng tôi là tập trung nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm" - ông Được chia sẻ.
Làng nghề phát triển mạnh - Ảnh 1
Chàng Sơn là một trong những làng nghề mộc có từ hàng trăm năm nay. Bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ nơi đây đã làm ra nhiều kiệt tác nổi tiếng, trong đó có 18 pho tượng La Hán chùa Tây Phương. Theo thống kê, toàn xã có hơn 2.000 hộ dân thì trên 90% hộ làm nghề chế biến gỗ với các sản phẩm đa dạng như tủ chè, sập, giường, phản, đồ thờ... Ngoài Chàng Sơn, nghề mộc còn phát triển mạnh ở các xã Thạch Xá, Bình Phú, Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải với các dòng sản phẩm đồ gỗ phong phú, tiêu thụ ở khắp các thị trường trong nước, trên những phố đồ gỗ nổi tiếng của Hà Nội như Đê La Thành, Hoàng Hoa Thám... 

Ngoài nghề mộc, một trong những nghề khá nổi tiếng và có sự tăng trưởng mạnh mẽ của huyện Thạch Thất là nghề cơ khí xã Phùng Xá. Nếu trước đây, Phùng Xá chủ yếu sản xuất các đồ cơ khí nông cụ như cày, bừa, cuốc, xẻng, thì đến nay, các hộ sản xuất đã áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, sử dụng máy móc hiện đại đưa số lượng sản phẩm của làng nghề lên tới hàng ngàn như bản lề, cửa xếp, lưới thép, tôn lợp, dây thép buộc, dây thép gai… Đến nay, Phùng Xá có khoảng 170 doanh nghiệp, 540 cơ sở sản xuất,  kinh doanh, tạo việc làm cho gần 4.000 lao động trong và ngoài xã. Đáng chú ý, từ cuối năm 2006, điểm công nghiệp làng nghề Phùng Xá với diện tích 11ha đã đi vào hoạt động, quy tụ hàng trăm hộ tham gia sản xuất, kinh doanh. 

Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, mặc dù so với những năm trước, sản xuất của các làng nghề có phần suy giảm, song tốc độ tiêu thụ sản phẩm của nhiều làng nghề đang tăng trở lại. Hơn nữa, điểm nổi trội của các làng nghề trên địa bàn huyện Thạch Thất là sản xuất các mặt hàng mà nhu cầu của thị trường cao như đồ cơ khí dân dụng, gỗ, đồ thờ... 

Nỗ lực tạo chuyển biến

Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần không nhỏ vào duy trì tăng trưởng kinh tế của huyện Thạch Thất. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt bình quân 14,1%/năm. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng CNH - HĐH. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp toàn huyện đạt hơn 1.200 tỷ đồng, chiếm 67,1% tỷ trọng kinh tế. Tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 12,7%. Rõ ràng, sản xuất làng nghề đã góp phần tạo đà cho Thạch Thất chuyển hướng từ huyện nông nghiệp từng bước trở thành huyện công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, để giúp các làng nghề phát triển, những năm qua, UBND huyện Thạch Thất đã quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, ngoài các chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước, huyện còn tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cho các hộ, doanh nghiệp làng nghề. Hàng năm, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện luôn tổ chức gặp mặt, động viên các doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, để tạo sức bật cho làng nghề phát triển mạnh mẽ hơn, huyện Thạch Thất đề nghị TP tạo điều kiện cho mở rộng quy mô các cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề, đưa các hộ ra sản xuất tập trung. Đây được coi là giải pháp đột phá bởi toàn huyện mới có  6 cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề, diện tích bình quân 10ha/cụm, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Trong khi đó, sản xuất trong khu dân cư khá chật hẹp và gây ô nhiễm môi trường. 

Huyện Thạch Thất cũng đề nghị các sở, ngành hỗ trợ các làng nghề xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Hiện nay, huyện có 2 sản phẩm làng nghề là mộc Chàng Sơn và chè lam Thạch Xá đang làm thủ tục xây dựng nhãn hiệu tập thể. Huyện Thạch Thất đã đề ra giải pháp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng đầu ra cho sản phẩm làng nghề. Trong đó, Phòng Kinh tế huyện đang tham mưu cho UBND huyện xây dựng website làng nghề để giới thiệu sản phẩm làng nghề trên địa bàn đến với đông đảo khách hàng, đối tác trong và ngoài nước.
 
Huyện Thạch Thất hiện có trên 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động. Thu nhập bình quân của lao động đạt 3 - 4 triệu đồng/tháng, lao động kỹ thuật cao đạt 6 - 7 triệu đồng/tháng.