Vì vậy, hơn lúc nào hết, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt để giành thị phần, doanh nghiệp cần bắt tay ngay vào việc tìm hiểu thị hiếu và sáng tạo mẫu mã để phù hợp nhu cầu khách hàng.
Sản phẩm sơn mài vẫn được nhiều khách hàng quan tâm. Ảnh: Ngọc Mừng
Sẽ chết nếu mãi gia công, nhái mẫu
Hà Nội là một trong những địa phương nhiều làng nghề nhất, với 1.350 làng có nghề, trong đó có hàng trăm làng nghề thủ công mỹ nghệ, đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Với truyền thống lâu đời, những nghệ nhân lâu năm có tay nghề cao và sự độc đáo trong mỗi sản phẩm, mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những ưu điểm trên là chưa đủ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội đang phải đối mặt với quá nhiều cạnh tranh từ các sản phẩm tương tự của nước ngoài, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.
Nếu trước đây, các làng nghề của Hà Nội như Bát Tràng (Gia Lâm), Phú Vinh, Phú Nghĩa (Chương Mỹ), Phú Túc (Phú Xuyên)… được mệnh danh là các làng tỷ phú với những container hàng xuất khẩu nườm nượp sang các nước Nga, Nhật Bản… thì những năm gần đây, khung cảnh trở nên đìu hiu. Những đơn hàng xuất khẩu giảm phân nửa, nhiều máy móc đắp chiếu, không ít hộ gia đình đã phải bỏ nghề tìm công việc khác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do kinh tế thế giới suy thoái, khiến đối tác nước ngoài giảm đơn hàng nhập khẩu, một phần do giá cả nguyên liệu, nhân công lao động tăng khiến các cơ sở sản xuất gặp khó khăn, nhưng một nguyên nhân quan trọng nữa được các chuyên gia chỉ ra, đó là mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội thiếu tính sáng tạo về mẫu mã do không am hiểu về thị trường. Đa số các sản phẩm làm theo các mẫu mã có từ hàng chục, hàng trăm năm nay dẫn đến nhàm chán, không thu hút được khách hàng. Đối với các sản phẩm xuất khẩu, đa phần chỉ dừng lại ở việc gia công theo mẫu có sẵn của đối tác gửi sang, hoặc làm "nhái" mẫu nước ngoài, thậm chí "copy" lẫn nhau. Điều này vô hình trung đã làm giảm tính sáng tạo, tính hấp dẫn của sản phẩm, ảnh hưởng lớn tới hình ảnh hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, nhất là trong vấn đề xuất khẩu.
Ngay cả làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dù có sự độc đáo về men, chất đất và bàn tay tài hoa của người nghệ nhân nhưng đa số sản phẩm đều na ná thiết kế từ các nước láng giềng, vì vậy không ít đơn hàng xuất khẩu đã bị rơi vào tay các nhà sản xuất khác. Một số nghệ nhân đã bỏ công sức đầu tư để cho ra đời những mẫu mã gốm độc đáo nhưng lại thiếu tính ứng dụng, vì vậy thường chỉ phù hợp với khách du lịch hoặc nhu cầu lưu niệm chứ chưa mang tính thương mại cao.
Một ví dụ nữa, tại thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ lớn nhưng cũng vô cùng khó tính. Đối với thị trường này, cạnh tranh về giá cả thôi chưa đủ mà các sản phẩm phải thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng, đó là sự tỉ mỉ, khắt khe và mẫu mã đẹp. Bởi vậy, các sản phẩm của ta với mẫu mã đơn điệu, chậm cải tiến, không có sức sáng tạo đã dần mất ưu thế đối với các nhà nhập khẩu Nhật Bản. Ở các thị trường khác cũng vậy, đã qua rồi cái thời rẻ là thắng, giờ đây sự cạnh tranh giá cả đã trở nên bão hòa. Doanh nghiệp cần hướng đến những sản phẩm độc đáo và đẹp, phù hợp với văn hóa, thị hiếu của từng thị trường khác nhau.
Không những thế, việc sản xuất theo mẫu mã đặt hàng của nước ngoài cũng đem lại giá trị rất thấp. Nếu ký được hợp đồng xuất khẩu, giá của ta cũng thấp hơn sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan 20 - 30%. Chẳng hạn mặt hàng mây tre đan, với một sản phẩm làn đựng quần áo loại lớn, khi hoàn thiện đến công đoạn đóng vào container đối tác nước ngoài trả cho doanh nghiệp Việt Nam khoảng 15 USD, trong khi đó giá bán đến tay người tiêu dùng trung bình là 120 - 150 USD. Hay mặt hàng khay đựng bằng mây tre đan, doanh nghiệp Việt Nam chỉ bán được vài chục ngàn đồng, trong khi giá bán đến tay người tiêu dùng là hàng chục bảng Anh…
Cú hích sự sáng tạo
Thời gian gần đây, nhiều làng nghề đã nhận ra hạn chế về mẫu mã sản phẩm nên đã quan tâm hơn đến việc đầu tư vào khâu tạo mẫu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp mây tre đan đã thành lập những đội thợ chuyên thiết kế mẫu mã sản phẩm và không ít doanh nghiệp đã bỏ ra số tiền lớn để duy trì đội thợ này. Thậm chí, có doanh nghiệp còn đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng cả nhà trưng bày mẫu sản phẩm, dù trong những năm qua việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, số doanh nghiệp trên không nhiều và mặt bằng chung vẫn thiếu trầm trọng sự sáng tạo trong thiết kế mẫu mã.
Chẳng hạn ở Phú Nghĩa (Chương Mỹ) mấy năm nay đã thành lập một CLB nghệ nhân chuyên đảm nhận khâu sáng tạo mẫu mới, mỗi năm cho ra đời hàng trăm mẫu mới. Gọi là "mẫu mới" nhưng phần lớn ở đây mới dừng lại ở những chi tiết nhỏ, chủ yếu là khác biệt trong kết cấu, chất liệu sản phẩm chứ chưa có mẫu "độc". Hay như tại làng gốm sứ Bát Tràng đã có những nghệ nhân đầu tư sáng tạo mẫu mã độc đáo của riêng mình. Những mẫu mã này được khách du lịch hoặc người sưu tầm trưng bày rất ưa chuộng, tuy nhiên, để sản xuất hàng loạt phục vụ nhu cầu tiêu dùng lại không khả thi.
Nhìn chung, sự sáng tạo này chưa đột phá và chưa thực sự được đối tác nước ngoài quan tâm. Nhận thức được hạn chế này, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức "Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ 2012". Chủ đề cuộc thi năm nay là: "Sáng tạo, hợp tác hướng tới thành công" nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát huy ý tưởng sáng tạo, phát triển mẫu mã sản phẩm mới, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tập trung trí tuệ, ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước, các nghệ nhân đầu ngành để lựa chọn, bổ sung hoàn thiện các mẫu sản phẩm TCMN, tạo ra những sản phẩm mới, sáng tạo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cuộc thi đã nhận được hàng trăm mẫu sản phẩm từ các cá nhân, tổ chức khắp các làng nghề và đang trong giai đoạn chọn xem xét, hiệu chỉnh thiết kế và hoàn thiện sản phẩm. BTC sẽ bố trí một Hội đồng chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước tiến hành tư vấn thiết kế cho các đơn vị, cá nhân để chỉnh sửa, hoàn thiện thiết kế và chế thử sản phẩm. Sau khi sản phẩm được các chuyên gia thiết kế tư vấn hoàn thiện sẽ nộp về BTC để chấm giải.
Theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, sản phẩm dự thi phải đáp ứng 4 tiêu chí. Thứ nhất, tính sáng tạo: Phải là sản phẩm mới, không sao chép từ các sản phẩm có sẵn; Thứ hai, tính thẩm mỹ: Sản phẩm có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ tốt; Thứ ba, tính thương mại: Sản phẩm phải có giá trị sử dụng, có khả năng sản xuất hàng loạt, sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước, đóng gói đẹp, an toàn, dễ vận chuyển, phù hợp với thị trường; Thứ tư, tính thân thiện với môi trường: Công nghệ sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguyên vật liệu sản xuất ít hoặc không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Dự kiến, việc trao giải "Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ 2012" sẽ diễn ra đúng ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10/2012, UBND TP sẽ có nhiều hỗ trợ dành cho các sản phẩm đoạt giải như: Miễn phí gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng Hà Nội 2012 (tổ chức từ 26 - 30/10), các hội chợ chuyên ngành thủ công mỹ nghệ tổ chức tại nước ngoài trong năm 2013; Được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề và giới thiệu quảng bá sản phẩm từ nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại trong thời gian 3 năm... |