Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãng phí lớn nếu không làm chủ các nền tảng số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất hiện nay là các giải pháp nhằm thúc đẩy xây dựng nền tảng số, qua đó đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Bởi đây chính là "hạ tầng mềm" không thể thiếu được của chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.

Số hóa trong hoạt động sản xuất tại nhà máy sữa Vinamilk. Ảnh: Phạm Hùng
Số hóa trong hoạt động sản xuất tại nhà máy sữa Vinamilk. Ảnh: Phạm Hùng

Hơn 500 triệu lượt cài đặt các nền tảng số

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia, nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá nhằm mau chóng hoàn tất quá trình chuyển đổi mang tính “lịch sử” này. Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực. Nếu như chúng ta không làm chủ các nền tảng số Việt Nam, người dân sẽ phải sử dụng các nền tảng số nước ngoài, khi đó dữ liệu sẽ bị thu thập. Mà ở thời đại 4.0 dữ liệu số chính là một loại tài nguyên vô cùng quý báu. Do đó, Bộ TT&TT đã đặt trọng tâm phát triển các nền tảng số.

Trong năm 2022, Bộ cùng các DN công nghệ thông tin (CNTT) đã xây dựng xong và đưa vào hoạt động khai thác 52 nền tảng số Việt Nam. “Tính đến hiện tại, các nền tảng số đã đạt 500 triệu lượt cài đặt, chiếm 30% tổng số lượt cài đặt các ứng dụng trên thiết bị di động của người Việt Nam”- Bộ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ.

Ở thời điểm hiện tại, về cơ bản các nền tảng số do Việt Nam làm chủ về công nghệ đã hiện diện ở nhiều lĩnh vực nhằm phục vụ cho quản lý Nhà nước, hoạt động của DN cũng như nhu cầu của người dân. Có thể kể đến như Chính phủ số với tech.mic.gov, DN số có smedx.vn và công dân số với
congdanso.mic.gov.vn… Trong thời gian tới, Bộ TT&TT cùng các DN CNTT sẽ tiếp tục phối hợp và công bố những nền tảng số quốc gia mới nhằm phục vụ toàn diện cho chuyển đổi số. Có việc thì sẽ có người, có việc khó sẽ có người giỏi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Việc khai thác cũng như sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo đó, việc xây dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương hiện chưa có sự đồng bộ, thống nhất cao. Do đó chưa thật sự mang lại hiệu quả, thuận lợi cho người dân khi tiến hành các giao dịch có liên quan, thậm chí có những công việc gây phiền hà cho người dân.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tính tới hiện tại, đang có 5 cơ ở dữ liệu quốc gia và 3 cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối và có hiệu quả rõ rệt. Mỗi ngày có khoảng 2 triệu giao dịch kết nối T.Ư, địa phương và bộ, ngành với nhau. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở dữ liệu khác đã xây dựng nhưng chưa kết nối, chia sẻ thậm chí là chưa đủ điều kiện kết nối. Thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tiếp tục xử lý vấn đề này nhằm thúc đẩy và đảm bảo kết nối.

Với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ TT&TT ban hành quy định người dân đã khai báo thông tin một lần thì không cần khai báo lần hai ở các cơ quan hành chính để đảm bảo không phiền hà, đồng bộ với môi trường số. “Hiện nay, hiệu quả kết nối cơ sở dữ liệu tương đối tốt. Tuy nhiên, cần có "nhạc trưởng" cho việc liên kết dữ liệu quốc gia và dữ liệu ngành. Bộ TT&TT sẽ tham mưu với Chính phủ về vấn đề này” - ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.

Về những phản ánh về tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu trong các cơ quan Nhà nước; từ đó dẫn đến cơ sở dữ liệu dù có nhưng vẫn rời rạc, phân tán, thiếu tính liên kết, hiệu quả chưa cao, gây lãng phí về nguồn lực và tài nguyên dữ liệu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý, một số cơ quan sau khi xây dựng xong cơ sở dữ liệu nhưng chưa yên tâm về độ chính xác, nên còn đắn đo, cân nhắc trong việc mang ra sử dụng. Không chỉ vậy, cơ sở dữ liệu rất lớn nhưng cho nhiều cơ quan kết nối vào sẽ nảy sinh các vấn đề có liên quan tới an toàn dữ liệu”...

Ảnh: Phạm Hùng
Ảnh: Phạm Hùng

“Chảy máu” chất xám công nghệ thông tin
Giống như hầu hết các lĩnh vực khác, chuyển đổi số muốn thành công thì cần phải có nhân lực số. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam đang có tình trạng “chảy máu” chất xám về nguồn lực CNTT. Nhiều nhân lực CNTT đã bỏ các DN trong nước để gia nhập DN nước ngoài, trong đó thu nhập là yếu tố lớn nhất. Việc mức lương chênh lệch ở 2 môi trường làm việc trên có thể chênh nhau từ 5 đến 7 lần hoặc thậm chí là đến tận 10 lần.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện cả nước đang có xấp xỉ 1,2 triệu lao động, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550.000 người. Một trong những giải pháp chính cho tình trạng này là đại học số. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT sớm cấp giấy phép thí điểm đại học số. Nếu đại học số thí điểm sớm sẽ là một trong những giải pháp để có thể nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số.

Ngoài ra, một trong những giải pháp mang tính căn bản đột phá khác mà Bộ TT&TT đang thực hiện là xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn đến các đối tượng khác nhau. Tên nền tảng này là One Touch và đã đưa vào vận hành được 6 tháng với 10 triệu người Việt Nam lên đó học tập. Trong nền tảng này cũng có một phần dành riêng cho cán bộ, công chức tự học, tự đánh giá và sẽ tự cấp các chứng chỉ.

Cũng theo các đại biểu Quốc hội, có một hiện thực là từ T.Ư đến địa phương đang trong quá trình chuyển đổi số, do đó nếu không thể giữ chân được nguồn nhân lực CNTT sẽ khiến quá trình chuyển đổi số bị chậm lại đáng kể.

Nói về vấn đề khi thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền điện tử nhưng tại cấp xã, phường, thị trấn, nơi phải triển khai trực tiếp nhiều dịch vụ công lại không có vị trí việc làm và biên chế cho cán bộ chuyên trách CNTT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tỷ lệ cán bộ làm công tác CNTT trong cơ quan Nhà nước hiện đang là 0,9%. Đây là con số đáng suy nghĩ, bởi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 10%, riêng Mỹ là 15%. Với tỷ lệ chưa đến 1% như trên thì rất khó để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Nếu muốn giữ chân nhân lực cần phải có cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên trong tổng thể chung không thể đòi hỏi có cơ chế ưu đãi cho nhân lực riêng ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. “Do đó cần xây dựng nền tảng số, trợ lý ảo AI để đỡ một phần công việc của cán bộ thông tin từ đó phù hợp với mức lương họ đang nhận. Đồng thời, cần tăng cường thuê ngoài, người làm CNTT trong Nhà nước sẽ làm công việc đặt hàng” – Bộ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ.

 

8 cơ sở dữ liệu đã kết nối và chia sẻ hiện đang hoạt động hiệu quả, đây là những kinh nghiệm ban đầu trong việc triển khai công tác kết nối các cơ sở dữ liệu. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ đề xuất cơ quan cầm nhịp, làm nhạc trưởng cho việc kết nối, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.