Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làng rèn Thúy Hội thưa dần tiếng búa

Bài, ảnh: Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Từng là một làng nghề rèn có truyền thống lâu đời luôn hoạt động nhộn nhịp, song trước những đổi thay của nền kinh tế thị trường, nghề rèn ở thôn Thúy Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng đang ngày càng thưa dần những thanh âm đặc trưng vốn có của tiếng búa, tiếng đe, tiếng bễ thổi lửa….

Rơi rụng người làm nghề

Về Thúy Hội bây giờ, giữa nhịp sống ồn ào, náo nhiệt bởi hoạt động buôn bán, giao thương của làng quê ven đô đang trên đà phát triển, lắng tai nghe mới thấy tiếng búa đập thưa thớt phát ra từ những lò rèn. Men theo thanh âm ấy, chúng tôi tìm đến xưởng rèn của anh Đông Văn Tiến nằm khá sâu trong ngõ nhỏ. Dừng tay nện búa và gạt gọn đống dao đang đánh dở, anh Tiến thở dài kể về những thăng trầm của nghề rèn Thúy Hội. Gần 40 năm biết đến nghề rèn, giờ đây anh làm nghề cũng chỉ như để duy trì cho “trọn nghiệp” và giữ các mối làm ăn lâu năm, bởi hoạt động ngày càng khó khăn. Nếu như trước đây, cơ sở rèn của anh Tiến thường xuyên phải thuê từ 5 – 6 lao động, thì giờ chỉ còn hai vợ chồng làm túc tắc, mỗi ngày cho ra lò chừng ba chục con dao, trừ hết chi phí còn được khoảng 300.000 đồng.
Cũng trong tình cảnh hoạt động khá cầm chừng là lò rèn của anh Nguyễn Thạc Hưởng, một người có 24 năm làm nghề. Trong xưởng rèn rộng chừng 20m2 chỉ có mình anh Hưởng ngồi hì hụi nung chuôi dao trong bếp than đỏ rực rồi tra cán. Anh chia sẻ, trước đây cơ sở có từ 4 – 5 nhân công, nhưng số lao động cứ bỏ dần vì chán nghề. Bản thân anh Hưởng hiện cũng chỉ làm duy nhất sản phẩm dao phay và sản xuất theo đơn hàng đặt trước, bình quân mỗi ngày làm ra khoảng 40 – 50 con dao. “Nhiều người bỏ nghề rèn chuyển sang làm mộc, may mặc vì thu nhập cao hơn” – anh cho biết.
Khó khăn của làng rèn Thúy Hội bắt đầu khi nhiều sản phẩm cùng loại của Trung Quốc tràn ngập thị trường với giá rẻ hơn 2 – 3 lần. Hơn nữa, trước đây, sản phẩm của làng rèn Thúy Hội khá đa dạng, từ dao, kéo, liềm đến cuốc, xẻng, cày, bừa… Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhu cầu sử dụng các nông cụ rèn cũng ít đi. Bên cạnh đó, mặt bằng sản xuất cũng ngày càng khó khăn khiến cho số người theo nghề bị rơi rụng dần. Theo thống kê, toàn xã Tân Hội hiện chỉ có khoảng 50 – 60 hộ làm nghề, trong đó đa số là hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất nhỏ.
Mịt mờ hướng đi
Sản phẩm của làng rèn Thúy Hội được cánh thương lái và người tiêu dùng đánh giá cao bởi chất lượng tốt do nguyên liệu hoàn toàn bằng thép, lại được tán, tôi, mài dũa cẩn thận. Dù chưa có thương hiệu tiếng tăm nhưng các sản phẩm dao, kéo của Thúy Hội đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước, thậm chí còn được DN đặt hàng xuất khẩu sang Đông Âu. Hoạt động sản xuất cũng được cải tiến nhiều với sự góp mặt của các loại máy móc như máy cắt, máy hàn, máy quay, búa máy… Thế nhưng, điều đáng buồn là có lẽ giờ đây, ngày càng ít người biết đến nghề rèn ở Thúy Hội.
Trong làng Thúy Hội vẫn còn Đền thờ ông Tổ của nghề rèn, song điều làm cho những người làm nghề băn khoăn là số phận làng nghề rồi sẽ đi về đâu? Đa số thợ rèn được hỏi đều thành thật tâm sự, họ chỉ làm nốt đời mình chứ khó lòng tìm được người kế nghiệp, bởi lớp trẻ ngày nay tìm hướng lập nghiệp ở những ngành nghề khác. Theo một số thợ rèn tâm huyết, để giữ được nghề truyền thống hiện nay, chỉ có cách gom các hộ làm nghề ra một khu tập trung, có mặt bằng sản xuất rộng rãi để cùng hỗ trợ nhau phát triển. Tuy nhiên, mong muốn ấy rất khó trở thành hiện thực.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội Ngô Văn Mạnh cho biết, định hướng phát triển kinh tế của xã vẫn chủ yếu dựa vào làng nghề, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Mặc dù vậy, việc mở rộng khu sản xuất cho nghề rèn là rất khó khăn bởi khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề đã được lấp đầy với 161 hộ, chủ yếu là nghề mộc, cơ khí. Hơn nữa, xã Tân Hội lại nằm trong quy hoạch phân khu đô thị S1, S2 nên không còn đất bố trí cho phát triển làng nghề. Do vậy, việc gìn giữ, phát triển nghề rèn truyền thống là điều rất khó khăn.