Lãnh đạo EU gọi Brexit là "ngày buồn", kêu gọi nước Anh ủng hộ bà May

Tú Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang có mặt tại Brussels để quyết định những bước đi tương lai cho Brexit.

Các nhà lãnh đạo EU đã tích cực kêu gọi người Anh ủng hộ kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May, trong bối cảnh họ tụ họp tại Brussels ngày 25/11 để chính thức thông qua thỏa thuận vốn vấp phải phản đối dữ dội trong quốc hội Anh này.

"Đây chính là thỏa thuận đó," Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chia sẻ với báo giới, khẳng định tin tưởng rằng bà May sẽ nhận được sự thông qua của quốc hội và đạt những đàm phán hiệu quả hơn.  

 Hội nghị thượng đỉnh EU về Brexit diễn ra hôm nay (giờ địa phương) tại Brussels, Bỉ. 

Đồng thời, ông Juncker cũng gọi đó là "một ngày buồn", cho rằng Brexit là một "bi kịch" và khó khăn đối với cả hai bên, nước Anh cũng như EU.

"Tôi tin rằng chính phủ Anh sẽ thành công trong việc bảo vệ sự ủng hộ của quốc hội Anh," ông Juncker nói, đông thời từ chối bình luận về tác động nếu Thủ tướng May thất bại.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán EU Michael Barnier mô tả các điều khoản của hiệp định gần 600 trang cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu chính thức vào ngày 29/3 tới là cơ sở thuận lợi để thương lượng một mối quan hệ trong tương lai, cùng bản phác thảo 26 trang mà các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ đồng thuận với bà May.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết cuộc bỏ phiếu lịch sử Brexit cho thấy châu Âu cần một sự cải cách. Ông Macron cũng nhấn mạnh, Paris sẽ hỗ trợ Anh tiếp tục theo sát các quy định của EU, đặc biệt là về môi trường, nhằm đổi lại cho việc tiếp cận thương mại dễ dàng.

Sự ra đi của một quốc gia hoài nghi lâu dài về sự hội nhập sâu hơn của EU, theo ông Macron, không phải là một khoảnh khắc đáng ăn mừng hay quá tang tóc, mà là sự lựa chọn tự do của người Anh.

Trước đó, dự thảo về tiến trình Brexit của Thủ tướng Anh đã vấp phải chỉ trích nặng nề từ Quốc hội.

Bà Theresa May hôm 22/11 đã phải đối mặt với vô vàn chỉ trích từ các nhà lập pháp hoài nghi liên quan tới thỏa thuận này.

Tại thời điểm này, sự bấp bênh của chính quyền bà May đã dẫn đến số lượng tăng cao các nhà lập pháp bày tỏ bất mãn với những đề xuất mới, mà đáng chú ý là Hiệp ước pháp lý dài 585 trang đề cập đến các điều khoản bắt đầu của Anh, bao gồm cả những khoản nợ của nước này với EU.

Jeremy Corbyn - lãnh đạo Công Đảng đối lập đã tỏ thái độ coi thường thỏa thuận hậu Brexit, mô tả đó là "26 miếng bánh quế" đại diện cho sự thất bại của Đảng Bảo thủ và bà May trong suốt 2 năm đàm phán. "Đây là một Brexit bị bịt mắt mà tất cả chúng ta đều sợ", ông Corbyn nói, "một bước nhảy vào bóng tối".