Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãnh đạo TP Hà Nội thị sát công tác phòng dịch tay chân miệng

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/10, tại Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức triển khai “Chiến dịch phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết”.

Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng gần 1.000 đại biểu.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cùng các đại biểu kiểm tra công tác phòng dịch tại trường mầm non Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy
Trong khuôn khổ triển khai chiến dịch, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cùng lãnh đạo Bộ Y tế và các đại biểu từ các ban, ngành T.Ư và một số tổ chức quốc tế đã trực tiếp kiểm tra một số hoạt động thực hành trong phòng chống dịch tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết. Một số hoạt động đã diễn ra như: Thực hành vệ sinh khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ; thực hành tiêm bổ sung vaccine phòng sởi - rubella cho trẻ tại Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu; Thăm, kiểm tra các hộ gia đình về thực hành các biện pháp loại trừ ổ lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết, phun hóa chất diệt muỗi ở cụm dân cư tổ 11, nhà văn hóa, bãi đất trống, công trường xây dựng tại phường Dịch Vọng Hậu.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, trên địa bàn TP Hà Nội, bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết là các bệnh lưu hành hàng năm tại tất cả các quận, huyện, thị xã, diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây dịch. Chính vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng chống dịch năm 2018 của UBND TP. Riêng Sở Y tế Hà Nội cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để chủ động tham mưu cho UBND TP các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời tổ chức tốt chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi đạt tỷ lệ trên 95%. Đối với Sở GD&ĐT cần thực hiện vệ sinh phòng bệnh thật tốt ngay trong trường lớp. Còn UBND các quận, huyện, thị xã phải coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ chính trị hàng đầu; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, xây dựng mạng lưới cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết để hoạt động phòng dịch được thường xuyên, liên tục.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, thời điểm này người dân cần lưu ý tới 3 dịch bệnh đang lưu hành, đó là tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết. Hiện cả nước đã ghi nhận gần 62.000 trường hợp mắc tay chân miệng, gần 1.100 trường hợp mắc sởi và gần 68.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tuy số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi tại một số địa bàn nơi có tập trung đồng dân cư, có sự giao lưu đi lại lớn, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh, ý thức người dân chưa cao như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, việc phát động chiến dịch này là một hoạt động rất quan trọng để bảo đảm công tác phòng chống dịch được thành công, đặc biệt thể hiện trách nhiệm trong việc vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ.