Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập các lệnh chi với chữ ký giả để chiếm đoạt 50 tỷ đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/12, phiên tòa xử phúc thẩm Huyền Như và đồng phạm bước sang ngày thứ 6 tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Võ Văn Tần - VietinBank chi nhánh Nhà Bè thuộc nhóm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Tại phiên tòa, bị cáo Lương Thị Việt Yên (nguyên Trưởng phòng Giao dịch Võ Văn Tần) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Yên cho rằng, hành vi của mình chỉ là không làm tròn trách nhiệm trong quản lý nhân viên. Theo bản án sơ thẩm, Yên đã tin tưởng việc Võ Anh Tuấn (Phó Giám đốc VietinBank, chi nhánh Nhà Bè) giới thiệu Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm (nhân viên nhận ủy thác của ACB) là khách hàng lớn nên không trực tiếp đến làm thủ tục mở tài khoản. Yên đã chỉ đạo nhân viên lập và duyệt hồ sơ mở tài khoản cho 2 khách hàng này mà không có mặt của họ để ký chữ ký mẫu.

 
Lập các lệnh chi với chữ ký giả để chiếm đoạt 50 tỷ đồng - Ảnh 1

 
Hồ sơ mở tài khoản mà nhân viên của Huyền Như mang đến để hợp thức hóa là do Như giả chữ ký khách hàng. Thông qua 2 tài khoản này, Như đã lập các lệnh chi giả, giả chữ ký của Nguyệt và Năm trên lệnh chi, làm thủ tục chuyển toàn bộ 50 tỷ đồng vào tài khoản của Trần Thị Tố Quyên tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè để chiếm đoạt.

Bị cáo Yên khai rằng, không gọi điện thoại chỉ đạo thuộc cấp mở tài khoản đối với Năm và Nguyệt. Chỉ sau này, khi có lệnh chuyển tiền với số tiền lớn nên mới gọi cho Võ Anh Tuấn xác thực lại đối với 2 khách hàng này. Đối chất về có hay không việc bị cáo Yên gọi điện thoại chỉ đạo, HĐXX, đại diện VKS đã hỏi bị cáo Hồ Hải Sỹ - nguyên Phó phòng Giao dịch Võ Văn Tần. Bị cáo Sỹ khẳng định, đã nhận được điện thoại chỉ đạo của Yên và nhận thông tin khách hàng qua tin nhắn điện thoại của Võ Anh Tuấn nên mới làm thủ tục mở tài khoản cho 2 khách hàng Năm và Nguyệt... Đại diện VKS công bố lời khai là Yên thực hiện theo chỉ đạo của Võ Anh Tuấn về mở tài khoản của Nguyệt, Năm mà không có mặt khách hàng.

Đối với tội "Cho vay lãi nặng", có 2 bị cáo kháng cáo gồm: Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, trú tại TP Hồ Chí Minh) và bị cáo Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, quê ở Quảng Bình).

Tài liệu của cơ quan điều tra xác định, Lý đã chủ động gặp và đề nghị cho Huyền Như vay tiền với lãi suất 0,4%/ngày. Sau đó, số tiền vay càng nhiều hơn, có món lên đến 40 tỷ đồng với lãi suất dao động từ 0,4 - 1,2%/ngày, đặc biệt, có những khoản vay Như phải trả cho Lý từ 3 - 3,7%/ngày…

Đối với bị cáo Dung, theo bản án sơ thẩm, Dung đã cho Huyền Như vay tiền với mức lãi suất 0,4%/ngày. Như đã vay Dung tổng số tiền hơn 265 tỷ đồng. Dung đã nhận của Như 440 tỷ đồng cả gốc và tiền lãi, thu lợi bất chính 174,7 tỷ đồng. Tại Tòa, Dung khai, việc cho Như mượn tiền là bằng... “niềm tin”: Số tiền cho vay hàng trăm tỷ đồng, Dung hoàn toàn không ghi vào sổ sách, tài sản thế chấp cũng không có chứng thực của cơ quan chức năng.

Bị cáo Lý khai, thông qua một người bạn giới thiệu cho Lý biết và gặp Huyền Như, quan hệ giữa hai người ban đầu là hợp tác làm ăn, sau đó mới chuyển sang cho vay lãi nặng. Giao dịch giữa hai người vừa giao dịch trực tiếp với Như, với nhân viên của Như, vừa chuyển khoản. Và việc chuyển tiền thông qua những công ty của Như. Lý cho rằng, mình chỉ là nạn nhân trong vụ việc và cũng xin Tòa xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt...

Hôm nay (23/12), Tòa tiếp tục làm việc.