Tại hội thảo, các chuyên gia giáo dục, nhà giáo lão thành và nhà quản lý giáo dục một số tỉnh, thành phố đều mong muốn góp tiếng nói xây dựng, hoàn thiện một phương án thi phù hợp với lộ trình và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trước khi Bộ GD&ĐT có quyết định chính thức vào tháng 9 này.
Việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia như chủ trương của Bộ GD&ĐT nhận được sự đồng tình ủng hộ của các đại biểu tham dự hội thảo. Tuy nhiên, phương án thi thế nào? Lộ trình thực hiện ra sao? Cần những điều kiện gì để tổ chức có chất lượng và đạt được mục tiêu đề ra là vấn đề thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Ngoài 3 phương án Bộ GD&ĐT đã công bố, hội thảo còn ghi nhận thêm một số phương án khác về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Điểm chung của các ý kiến là kỳ thi này có tác động lớn đến toàn xã hội, đến mọi người dân. Vì vậy cần có sự chuẩn bị chu đáo về nhận thức và điều kiện tổ chức, hạn chế gây “sốc” cho HS và đạt kết quả thực chất.
Phương án nào để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo độ tin cậy và trung thực? Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, cần thống nhất một số quan điểm chỉ đạo. Kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT là kỳ thi dùng để đánh giá, phân loại năng lực của HS THPT một cách khách quan, trung thực, công bằng.
“Để đảm bảo chuẩn mực của kỳ thi quốc gia, các trường THPT phải đánh giá đúng HS theo đúng tiêu chuẩn của Bộ GD&DT. Những HS quá yếu kém không chịu học, rèn luyện nhất quyết không được dự thi, phải học lại, rèn luyện lại. Phải chấm dứt việc tùy tiện 100% dự thi như những năm vừa qua. Theo tôi phương án lựa chọn cho kỳ thi quốc gia để đảm bảo độ tin cậy, trung thực. Trước hết, về môn thi, không nên thi nhiều môn, để đánh giá năng lực HS, chỉ cần tập trung thi 2 môn cơ bản: Ngữ Văn, Toán và thêm môn Ngoại ngữ để đánh giá năng lực hội nhập của HS. Thi ít môn thầy trò tập trung ôn tập, giảm tiêu cực trong thi cử. Về coi thi và chấm thi, tôi tán thành theo cách đề xuất của Bộ, phải có lực lượng cán bộ, giáo viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các hội đồng coi, chấm thi, không khoán trắng cho các địa phương. Để đảm bảo độ tin cậy, trung thực, khách quan, nên lắp camera cho các phòng thi, giám sát 100% thời gian thi,...” - TS Tùng Lâm kiến nghị.
PGS Trần Quốc Toản đồng tình, thi tốt nghiệp để cho địa phương làm. “Khi HS học xong chỉ cần thi hết lớp 12, lấy kết quả xét tốt nghiệp, những em chưa đạt thì có giấy chứng nhận học xong phổ thông. Các tỉnh có thể tự làm đề hoặc lấy từ ngân hàng đề của bộ. Tổ chức 1 kỳ thi quốc gia, không cần cạnh tranh, không cần coi thi nặng nề, đó là kỳ thi thử vào ĐH. Để HS biết năng lực của mình đến đâu. Gia đình thoải mái, HS biết năng lực của mình ở đâu để đăng ký. Các trường ĐH có thể tổ chức thi riêng nếu thấy cần thiết. Việt Nam nên tổ chức 2 lần/năm để tăng cơ hội cho HS nếu chọn nhầm vào những trường quá cao” - PGS Toản đề xuất.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho phương án kỳ thi quốc gia, dù đồng thuận hay chưa đồng thuận đều xuất phát từ cái tâm muốn cho những chủ trương cải cách giáo dục, cải cách thi cử đi đúng hướng. Mục đích lớn hơn là đào tạo nguồn nhân lực cao cho xã hội.
Quang cảnh buổi hội thảo.
|