Lắp camera trong xe kinh doanh vận tải: Cần vượt khó vì lợi ích chung

Ngọc Hải/GTHN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sắp đến hạn chót ngày 31/12, phải hoàn thành việc lắp đặt camera ghi, lưu trữ hình ảnh bên trong xe kinh doanh vận tải, nhưng nhiều DN vẫn chưa thực hiện đầy đủ quy định này.

Chính phủ, Bộ GTVT đã giãn, hoãn hạn kỳ nhiều lần để chia sẻ với khó khăn của DN trong đại dịch Covid-19, giờ đã đến lúc DN cần nêu cao ý thức vì lợi ích chung của toàn xã hội.

Doanh nghiệp cũng hưởng lợi
Nghị định 10/2020/NĐ - CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định, trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép.
Cả DN, hành khách, lực lượng chức năng và các chuyên gia đều đánh giá đây là một quy định thực sự cần thiết, phải sớm triển khai để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đảm bảo trật tự, ATGT cũng như quyền và lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Lắp đặt camera vừa có thể giám sát hoạt động nghiệp vụ của lái, phụ xe, vừa có thể lưu trữ thông tin, hình ảnh phục vụ giải quyết những vấn đề về an toàn hay tranh chấp trên hành trình chạy xe”.
  Sắp đến hạn chót ngày 31/12, phải hoàn thành việc lắp đặt camera ghi, lưu trữ hình ảnh bên trong xe kinh doanh vận tải nhưng nhiều DN vẫn chưa thực hiện đầy đủ quy định này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lắp đặt camera trên xe không chỉ giúp hành khách yên tâm hơn, cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ hơn chất lượng dịch vụ vận tải mà còn góp phần hạn chế xe “dù”, bến “cóc”, cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Phan Trường Thành phân tích, nhiều DN vận tải không chỉ chật vật vì đại dịch Covid-19 mà còn phục hồi rất chậm chạp, có dấu hiệu thoái trào hơn nữa do sức ép từ xe “dù”, bến “cóc”, xe khách trá hình. “Với dữ liệu hình ảnh ngay bên trong mỗi chiếc xe, công tác xử phạt của lực lượng chức năng sẽ hiệu quả hơn, giúp môi trường kinh doanh của ngành vận tải, đặc biệt là vận tải khách ổn định, cân bằng hơn hẳn, DN cũng được hưởng lợi trực tiếp từ việc này” - thạc sĩ Phan Trường Thành nói.
Trải qua thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vận tải là một trong những lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất, hồi phục cũng chậm chạp nhất. Để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ DN, Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương đã có hàng loạt biện pháp như miễn giảm thuế, phí. Các Sở GTVT địa phương, Hiệp hội vận tải… cũng liên tiếp có những kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có việc hoãn thời hạn lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rõ rằng việc lắp đặt camera còn là một trong những biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Thời gian qua, không ít trường hợp xe khách chạy “chui”, bắt khách dọc đường hoặc không tuân thủ các quy định phòng dịch trên xe đã làm phức tạp thêm diễn biến dịch bệnh trên cả nước.
Tổ trưởng Tổ dân phố số 42, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp 2 (quận Hoàng Mai) Trần Văn Bính chia sẻ: “Lẽ ra việc lắp đặt camera giám sát trên xe khách, xe tải phải thực hiện từ lâu rồi. Có giám sát bằng hình ảnh mới khiến các nhà xe không dám bắt khách dọc đường, chở cả người nhiễm Covid-19 đi khắp nơi, làm cho dịch bệnh lây lan khó kiểm soát hơn. Không giám sát được đến từng xe thì đây còn là nguy cơ tiềm tàng lây lan dịch bệnh Covid-19”.
Cùng nhau nỗ lực
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, bắt buộc các đơn vị vận tải phải hoàn thành lắp đặt camera trên xe trước ngày 31/12 tới là vấn đề khó khăn. “Suốt 6 tháng qua, xe không hoạt động, ngành vận tải gần như không có doanh thu, các khoản nợ vẫn còn đó, tốc độ phục hồi lại rất chậm chạp. Nếu phải chi phí thêm vài triệu đồng cho việc lắp đặt camera trên mỗi xe, cộng thêm chi phí duy trì sẽ khiến DN chật vật hơn”.
 Nhiều DN cũng bày tỏ khoản chi phí lắp đặt camera, vào khoảng 5 - 7 triệu đồng/xe là rất đáng lo ngại vào thời điểm này. 
Đại diện nhiều DN cũng bày tỏ khoản chi phí lắp đặt camera, vào khoảng 5 - 7 triệu đồng/xe là rất đáng lo ngại vào thời điểm này. Có DN sẽ phải chi đến vài tỷ, thậm chí vài chục tỷ để lắp đặt trong khi chưa biết lấy tiền ở đâu ra. Đại diện một DN vận tải khách trên tuyến Hà Nội – Quảng Ninh (xin giấu tên) chia sẻ: “Bên cạnh việc chi phí không nhỏ, DN còn khá bị động, bởi Bộ KH&CN mới chỉ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho camera trên xe khoảng một tháng trước. Thúc ép hàng vạn phương tiện phải hoàn thành trong 1, 2 tháng là khó khả thi”.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, tính đến hết ngày 11/11/2021, mới có hơn 25.000 trong tổng số hơn 200.000 phương tiện kinh doanh vận tải đã lắp đặt camera, đạt tỷ lệ hơn 12%. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn khẳng định quyết tâm sẽ không tiếp tục lùi thời hạn xử phạt đối với xe kinh doanh vận tải không lắp đặt camera trên xe.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết đã liên tục có ý kiến, chỉ đạo, đôn đốc DN thực hiện nghiêm túc quy định về lắp đặt camera, đồng thời cũng tuyên truyền, nhắc nhở để DN biết sẽ phải chịu xử phạt nếu quá thời hạn vẫn không chấp hành. Nhưng trên thực tế, nhiều DN vẫn còn tâm lý mong chờ Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục cho hoãn kỳ hạn thêm 6 tháng đến 1 năm nữa nên chưa có động thái tích cực hơn.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, tâm lý mong chờ của DN trong bối cảnh khó khăn này là tất yếu. Tuy nhiên, DN cũng cần nhìn nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình, chấp hành nghiêm quy định là bảo vệ môi trường kinh doanh, tự làm lợi cho chính mình và góp phần vào lợi ích chung của toàn xã hội.
“Mặt khác, nhiều DN do chưa hoạt động được tối đa công suất, số lượng phương tiện nên cũng có thể lắp đặt dần dần, ưu tiên các phương tiện hoạt động trước, theo phương châm chạy đến đâu, lắp đến đó. Cơ quan chức năng xử phạt nghiêm túc thì DN sẽ sớm bắt nhịp được với quy định mới. Nhưng bên cạnh những thiết chế, Bộ GTVT và Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh để có điều kiện tái đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải” - chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần