Mô hình này bước đầu giúp ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày.
Sau một thời gian triển khai lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên chiếc tàu cá 380CV của mình, anh Lê Văn Xin - một ngư dân ở Đà Nẵng, rất hài lòng với hiệu quả từ nguồn năng lượng này mang lại.
Anh Xin cho biết, để sử dụng nguồn năng lượng vô tận này, tàu cá của anh được các kỹ sư thiết kế lắp đặt 16 tấm pin năng lượng có công suất 1.000Wp; hai bình ắc quy dùng để tích điện nạp từ pin mặt trời; một hệ điều khiển nạp dùng để điều khiển và theo dõi quá trình nạp điện từ pin mặt trời vào bình ắc quy, đảm bảo sự cân bằng điều tải của hệ điện mặt trời.
Trước đây, nguồn điện trên tàu chủ yếu từ động cơ của tàu nên khi động cơ gặp sự cố sẽ không có điện để liên lạc với đất liền, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu nhưng nay điều này đã được khắc phục.
Công suất điện từ pin năng lượng mặt trời được anh Xin sử dụng để chạy máy định vị, máy dò cá, radar, radio, thiết bị ICOM, chạy quạt, xem tivi... Ưu điểm của nguồn điện từ pin năng lượng mặt trời là chất lượng điện ổn định đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, tiết kiệm dầu chạy máy để phát điện, nhất là giảm thiểu rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, không gây ô nhiễm môi trường, không có tiếng ồn...
Theo anh Xin, giờ đây với một chuyến biển kéo dài 20 ngày tàu cá của anh có thể tiết kiệm được hai triệu đồng tiền dầu từ việc sử dụng pin năng lượng mặt trời. Mặt khác, với thiết kế gọn nhẹ, vững chắc nên các thiết bị pin năng lượng mặt trời có thể tồn tại tốt với môi trường bão gió khắc nghiệt trên biển với tuổi thọ trung bình gần 30 năm.
Tuy nhiên đối với nhiều ngư dân, khó khăn nhất chính là giá cả để lắp đặt các thiết bị này còn khá cao (khoảng 80 triệu đồng) nên nhiều chủ tàu chưa mạnh dạn đầu tư lắp đặt.
Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết, với những hiệu quả bước đầu mang lại, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ một số tổ đội đánh bắt xa bờ lắp đặt pin năng lượng mặt trời nhằm nhân rộng mô hình này ra các tàu cá của địa phương.