Tuy nhiên, trên địa bàn quận lại có nhiều tuyến phố hoạt động kinh doanh buôn bán nhộn nhịp khiến công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đang gặp rất nhiều khó khăn.
Xe máy dựng trên vỉa hè, ô tô đỗ dưới lòng đường tại phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Trình Vũ
Nhằm bảo đảm đường thông, hè thoáng giảm ùn tắc và TNGT, vào tháng 8/2011, quận Hoàn Kiếm đã có Kế hoạch 84/KH-UBND về lập lại trật tự giao thông, đô thị trên địa bàn. Để việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường có hiệu quả, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức họp hơn 5.000 lượt tổ dân phố, 2.250 lượt cơ quan doanh nghiệp đóng trên địa bàn, vận động hơn 20.700 hộ kinh doanh tại mặt phố ký cam kết không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Bên cạnh đó, quận liên tục tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý các vi phạm. Qua 1 năm triển khai thực hiện, các lực lượng chức năng của quận đã kiểm tra, xử lý 42.968 trường hợp, phạt hành chính trên 10,5 tỷ đồng. Trong đó, 2.651 trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, 39.779 trường hợp vi phạm trật tự ATGT. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán, đỗ dừng xe tùy tiện đã giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, mặc dù công tác đảm bảo trật tự giao thông đô thị trên địa bàn quận đã có những chuyển biến nhưng chưa bền vững. Bởi, trên địa bàn quận quá thiếu các điểm trông giữ xe (hiện các điểm trông giữ xe chỉ đáp ứng được 12% nhu cầu). Các điểm đỗ xe hiện có đều không đủ tiêu chuẩn xây dựng bãi đỗ, do đó chỉ được cấp phép tạm thời. Điều này khiến việc xử lý các điểm trông giữ xe trái phép gặp nhiều khó khăn, xử lý chỗ này lại phát sinh chỗ khác. Cũng theo ông Hoa, toàn quận hiện có 300 tự quản viên làm nhiệm vụ kiểm tra nhưng họ lại không có quyền xử lý vi phạm. Khi không có lực lượng công an, thanh tra giao thông, hoạt động của lực lượng tự quản bị hạn chế rất nhiều.
Trong khi đó, người dân tại một số tuyến phố lại cho rằng, việc cấm tuyệt đối người dân sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh là không thể, bởi đây là "cần câu cơm" của nhiều gia đình. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Văn Viện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thừa nhận thực trạng này và cho rằng, để khắc phục tình trạng này, các cơ quan cần tăng cường kiểm tra xử lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không được bày bán hàng lấn chiếm vỉa hè, ảnh hưởng đối với người tham gia giao thông và mỹ quan đô thị... Ngoài ra, chính quyền cơ sở cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm ngay từ lúc mới phát sinh. Cũng theo ông Viện, ngoài việc tuyên truyền cho những người kinh doanh buôn bán, các lực lượng chức năng cần chú ý tuyên truyền đến những người dân dừng đỗ trên đường mua bán tại các cửa hàng mặt phố. Bởi đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng mất trật tự giao thông đô thị. Đặc biệt, nhiều khi các lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế, một số người đang mua bán, ăn uống tại những địa điểm đó không hiểu, cho rằng những hành động đó là phản cảm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các cán bộ thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là những cán bộ trẻ.
Qua một năm thực hiện kế hoạch 84/KH-UBND, quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất theo thẩm quyền đối với 14 trường hợp vi phạm nghiêm trọng với mức phạt từ 5 - 31 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có 4/14 trường hợp vi phạm thi hành quyết định nộp phạt. Hiện, quận đang chỉ đạo các lực lượng có những biện pháp cụ thể đối với những trường hợp cố tình chây ỳ không thực hiện quyết định xử phạt. |