Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập lại trật tự vỉa hè tại Hà Nội: Giải pháp căn cơ từ quy hoạch

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang ráo riết lập lại trật tự vỉa hè. Những biện pháp kiên quyết của chính quyền các quận, huyện đang được áp dụng, nhiều tuyến phố đã gọn gàng, ngăn nắp hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông đô thị, kết quả của việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ mà Hà Nội đang thực hiện mới là những kết quả ban đầu. Muốn giữ được trật tự bền vững, cần có những giải pháp căn cơ, giải quyết tận gốc rễ cho “câu chuyện vỉa hè” được đi đúng hướng, tránh giải quyết vấn đề trên ngọn.
Vỉa hè không còn lộn xộn
Sau một tuần ra quân đồng loạt của chính quyền các quận, huyện, trên hàng loạt tuyến phố, trật tự vỉa hè đã phần nào tiến bộ. Tại khu vực phố cổ các tuyến thương mại lớn như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Gà, Hàng Điếu… không còn cảnh hàng hóa, xe cộ phủ kín mà vỉa hè đã hoàn toàn thông thoáng, người đi bộ đã có thể thong dong sải bước. Trên rất nhiều tuyến phố mới vỉa hè đã được kẻ vạch sơn cho việc để xe máy gọn gàng theo quy định sát mép tường nhà dân, quay đầu xe vào trong và chỉ sắp xếp một hàng. Giảm đáng kể cảnh lộn xộn, mất vệ sinh do hàng quán sử dụng hè phố làm nơi buôn bán, kinh doanh, ăn uống... Điều đặc biệt, để có được trật tự, phong quang ngoài sự kiên quyết của lực lượng chức năng còn là ý thức tự giác của phần lớn người dân. Người dân đã đồng thuận cùng chính quyền để phá dỡ những hạng mục vi phạm, sắp xếp vỉa hè, hy sinh quyền lợi của cá nhân vì mục tiêu chung. Đã có đến 95% người dân tại tất cả các quận, huyện, thị xã ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè lòng đường.

Vỉa hè phố Hàng Bạc mới đủ cho việc sắp xếp xe máy mà chưa có chỗ cho người đi bộ.  Ảnh:  Vũ Cúc

Tuy nhiên, từ thực tế quan sát cũng như thu thập ý kiến của nhiều người dân, chuyên gia trong lĩnh vực đô thị thì câu chuyện dẹp vỉa hè của Hà Nội vẫn đang còn nhiều nghi ngại. Bà Nguyễn Thị Thu, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng chia sẻ, rất nhiều hộ dân tại tuyến phố này đồng tình với chủ trương của TP nhưng mong rằng nó được duy trì chứ đừng kiểu “đầu voi đuôi chuột” làm phí đi sự cố gắng của người dân.
Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy - Giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, công việc này đã diễn ra nhiều lần, nhiều năm, chu kỳ của những lần “ra quân” đó vẫn cứ đều đặn nhưng rồi đâu lại vào đó và đã thành quen đối với người dân Hà Nội. Các giải pháp cho “chuyện vỉa hè” dường như vẫn chưa đi đúng hướng, còn đang giải quyết vấn đề trên ngọn.
Sở dĩ vẫn còn đó những hoài nghi trật tự vỉa hè sẽ được duy trì trong bao lâu, bởi theo các chuyên gia về đô thị, vỉa hè giữ rất nhiều vai trò trong việc tạo lập bản sắc, hình ảnh nơi chốn, văn hóa, xã hội của một đô thị chứ không đơn thuần chỉ là dải lề đi bộ hai bên đường. Để có thể tìm được một trật tự đô thị bền vững ở không gian vỉa hè, mọi người cho rằng rõ ràng cần có những giải pháp cụ thể từ việc quy hoạch bài bản, bố trí sử dụng hợp lý vỉa hè chứ không nên phụ thuộc vào các lần ra quân rầm rộ.
Giải quyết vấn đề từ gốc
Việc lấn chiếm vỉa hè lòng đường đã tồn tại nhiều năm nay bắt nguồn từ những bất cập từ khâu quy hoạch. Nhiều tuyến phố khi xây dựng không tính đến chỗ để xe cho các cửa hàng kinh doanh. Các tuyến đường trong khu phố cổ, vỉa hè rộng chưa đến 1m nên thiếu chỗ để xe cho ngay cả chính người dân. Trong khi đó, việc quy hoạch các bãi xe tĩnh tập trung hầu như rất ít. Hay tại những tuyến đường mới mở do thiếu đồng bộ trong việc nghiên cứu quy hoạch, thiết kế đô thị và quản lý xây dựng nên nhiều tuyến đường vẫn chưa đủ rộng theo quy định, thêm vào đó là những tủ điện, bốt điện, hộp kỹ thuật các công trình ngầm… choán phần lớn diện tích vỉa hè.
KTS Nguyễn Việt Huy cho rằng, việc giải quyết vấn đề vỉa hè của Hà Nội không khó, nhưng cũng không hề đơn giản nếu chúng ta không nghiêm túc nhìn nhận vấn đề từ gốc một cách thấu đáo bắt đầu bằng quy hoạch. Để có được một đồ án quy hoạch chỉnh trang hiệu quả chúng ta phải có đầy đủ các dữ liệu đầu vào từ hiện trạng dân số, khách du lịch, số lượng người tham gia giao thông, số lượng phương tiện giao thông… các số liệu của hiện tại và các dự đoán trong tương lai 5 năm, 10 năm và lâu hơn nữa. Các dự đoán này cũng phải được tính toán trên cơ sở khoa học dựa vào sự phát triển trong quá khứ một cách chính xác nhất. Từ đó, chúng ta mới có thể tính toán được các nhu cầu cụ thể về số lượng phương tiện tham gia giao thông cần dừng đỗ, mật độ người đi bộ trên từng tuyến phố, và với những phân tích cụ thể đó sẽ xây dựng một quy hoạch chính xác nhất cho việc bố trí khu vực đỗ xe, khu vực bán hàng không ảnh hưởng đến không gian đi bộ.Sau khi đã có quy hoạch thì việc thực hiện các quy hoạch đó đòi hỏi sự nghiêm túc, tôn trọng các quy hoạch đã đưa ra. Tuy nhiên cũng phải điều chỉnh kịp thời và hợp lý nếu có sự bất câp giữa thực tế và đồ án.
Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc làm đẹp mỹ quan đô thị. Phải để người dân hiểu được rằng việc làm đẹp mỹ quan đô thị không chỉ mang lại lợi ích cho TP mà cho chính họ. Thực tế qua những lần ra quân, các hàng quán vỉ hè vẫn không bị ảnh hưởng về mặt doanh thu mà thậm chí còn tốt hơn.
Điều cuối cùng là các giải pháp cụ thể mà TP phải đưa ra những giải pháp tồn đọng như việc sẽ giải quyết thế nào với một số lượng lớn người dân đang bám vào vỉa hè để sinh sống? Chẳng hạn, tại Singapore, họ đã xây dựng những khu trung tâm ẩm thực vỉa hè để tạo các không gian cho những người dân đang bám vào vỉa hè mưu sinh mà không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Đồng quan điểm, TS.KTS Hoàng Hải – Trưởng Khoa quản lý đô thị (Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị) cho rằng, ở nhiều nước phát triển, vỉa hè, bên cạnh chức năng chính là không gian đi bộ, còn là không gian của cây xanh, thảm cỏ và hoạt động kinh tế vỉa hè… Đặc biệt, văn hóa của người Việt Nam nói chung hay người Hà Nội nói riêng từ xa xưa đã luôn duy trì thói quen sinh hoạt cộng đồng ngoài trời. Do đó, vỉa hè còn là một phần nơi chốn sinh hoạt đô thị. Những quán ăn hè phố nó đã đi sâu vào ý thức người dân và trở thành tập quán, đây cũng là phần hồn tạo ra bản sắc của TP. Nếu chúng ta ra sức dẹp một cách máy móc tất cả những hoạt động đó thì nó sẽ không còn bản sắc văn hóa sinh hoạt đời thường của người Hà Nội. Do đó, việc cần thiết của chính quyền Hà Nội hiện nay là quy hoạch những tuyến phố phù hợp cho việc kinh doanh trên vỉa hè, thậm chí là cho dân thuê vỉa hè giống như các nước phát triển Pháp, Đức, Hà Lan… để vừa đảm bảo văn minh đô thị vừa giữ được nét đặc trưng văn hóa của một cơ thể đô thị sống. 
 Làm thế nào để những nỗ lực của chính quyền TP mang lại hiệu quả, thật sự trả lại vỉa hè cho người đi bộ? Gốc rễ của vấn đề, trước hết là công tác quy hoạch giao thông đô thị phải thực sự khoa học, và kiên quyết thực hiện bằng được quy hoạch. Tiếp đến là việc siết chặt quản lý lòng đường, hè phố của các cơ quan chức năng. Việc này nên làm thường xuyên, và gắn chặt với trách nhiệm cá nhân. Nếu các giải pháp này được thực hiện một cách mạnh mẽ và đồng bộ thì việc giữ được trật tự vỉa hè của Hà Nội không phải là quá khó.
Cần có những giải pháp chứ cấm đoán không bao giờ giải quyết được công việc một cách thấu đáo. Hà Nội cần có những đơn vị tư vấn quy hoạch, thiết kế đô thị chuyên nghiệp, các nhà quản lý chuyên nghiệp tránh chồng chéo công việc thì sẽ không có chuyện lộn xộn ở vỉa hè.
 KTS Nguyễn Việt HuyGiảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch , ĐH Xây dựng Hà Nội