Từ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp...
"Bỏ phố ra đồng" là cách mà chị Hoàng Thị Liên (xã Trạch Mỹ Lộc, Phúc Thọ, Hà Nội) đã chọn để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Năm 2009, được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện Phúc Thọ theo chương trình cho vay giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chị Liên quyết định đầu tư vào chăn nuôi. Phương án vừa nuôi lợn đẻ, vừa nuôi lợn thịt đã giúp gia đình chị từng bước cải thiện thu nhập nhưng hiệu quả của việc làm ăn nhỏ lẻ này mới chỉ dừng ở mức ổn định cuộc sống.
Năm 2013, chị Liên quyết định đấu thầu hơn 3.000m2 ruộng phát triển mô hình vườn - ao - chuồng. Trả hết 20 triệu đồng nợ cũ, chị Liên vay tiếp 20 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo để đào ao, trồng nhãn, chăn nuôi gà, vịt theo hướng tập trung. "Nhiều người hỏi tôi, sao không ở trong xóm mà đưa cả gia đình ra đây. Bỏ "phố" ra đồng cũng nhiều bấp bênh nhưng tôi chấp nhận với hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt hơn" - chị Liên nói.
Không chỉ giải quyết việc làm cho những người trong gia đình như chị Liên, nguồn vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH còn giúp nhiều thanh niên lập thân, lập nghiệp. Đến xã Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) những ngày cuối tháng 3, chúng tôi ngỡ ngàng bởi cơ ngơi khang trang và 3 vườn lan "khủng" của anh Trịnh Đắc Lam. Mỗi mùa lan, chàng thanh niên trẻ phải đầu tư hơn 600 triệu đồng để trồng mới và đầu tư hệ thống phân phối lan. Được NHCSXH huyện Hoài Đức cho vay 160 triệu đồng hỗ trợ giải quyết việc làm từ tháng 5/2012, anh Lam đã "nâng cấp" được hệ thống tưới tiêu, nhà bạt giúp việc trồng lan hiệu quả hơn, góp phần giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên và khoảng 15 lao động mùa vụ.
Theo ông Nguyễn Xuân Phong - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hoài Đức, nguồn vốn giải quyết việc làm đa số được người dân đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt và phát triển làng nghề. Từ các mô hình sử dụng hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm, đã xuất hiện nhiều gương điển hình về làm kinh tế giỏi, làm gương cho các hộ gia đình trong huyện.
... đến tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương
Số liệu từ NHCSXH TP Hà Nội cho biết, tính đến ngày 28/2, dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này không chỉ giúp bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống các hộ gia đình vay vốn mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Tại xã Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội), một xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, nguồn vốn từ NHCSXH đã "tiếp sức" cho nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2009, doanh nghiệp May Minh Tâm được NHCSXH huyện Phúc Thọ giải ngân 200 triệu đồng để mở rộng xưởng sản xuất. Doanh nghiệp này đã trả hết nợ trong năm 2013 và đang giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Tính chung cả huyện Phúc Thọ, dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm đạt khá cao, ở mức 37,336 tỷ đồng với hơn 2.000 khách hàng vay vốn tính đến ngày 28/2.
Hiện, mức cho vay giải quyết việc làm tối đa đối với một hộ gia đình là 20 triệu đồng; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh là 500 triệu đồng/dự án nhưng không quá 20 triệu đồng/lao động thu hút mới. Mức cho vay này, theo nhiều ý kiến, là vẫn thấp so với nhu cầu vốn mở rộng quy mô kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, so với mặt bằng lãi suất chung hiện nay, mức lãi suất 0,65%/tháng cho vay giải quyết việc làm vẫn khá cao nên chưa có tính khuyến khích người dân đầu tư sản xuất kinh doanh. Vì thế, nhiều hộ gia đình tại khu vực nông thôn hy vọng, NHCSXH sẽ nâng hạn mức cho vay, tăng thời gian vay, giảm lãi suất để an tâm mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động trên địa bàn.
Mô hình trồng lan của anh Trịnh Đắc Lam giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động và khoảng 15 lao động mùa vụ. Ảnh: Hà Lâm
|