Đó là ý kiến của các DN tham dự Triển lãm Sản phẩm CNHT Việt Nam 2015 (ICS Vietnam 2015) do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP Hà Nội tổ chức.
Cơ hội và thách thức
Kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, ngành CNHT Việt Nam đã phần nào cải thiện, thể hiện qua tỷ lệ cung ứng nội địa cho các DN Nhật Bản đã gia tăng đáng kể. Ông Soichi Yoshimura - Phó Chủ tịch JETRO cho biết: Tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam tăng từ 22% vào năm 2011 lên 33% trong năm 2015, qua đó góp phần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Còn theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, nếu như năm 2010, Việt Nam mới chỉ thu hút được 198 dự án FDI của Nhật Bản, thì đến năm 2014 đã lên tới 517 dự án. Có được thành công này là do DN Việt Nam hoạt động trong ngành CNHT đã có sự phát triển đáng kể thông qua việc hợp tác với DN nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản để có thể đáp ứng nhu cầu cho DN FDI đầu tư tại Việt Nam.
Theo cam kết ASEAN, đến năm 2018, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ 97% các dòng thuế quan. Việc xóa bỏ thuế quan sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trong thu hút đầu tư, phát triển thị trường tiêu dùng… Tuy nhiên, các DN hoạt động trong ngành CNHT sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất trong khu vực. Vì vậy, ngành CNHT Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa khả năng cung ứng nội địa cho các nhà đầu tư, qua đó có đủ khả năng cạnh tranh với hàng nhập ngoại khi xóa bỏ hàng rào thuế quan.
Không thể thiếu chính sách hỗ trợ
Tuy các DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNHT đã phần nào phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra từ phía các DN FDI. Số liệu của JETRO cũng cho thấy, mặc dù trong giai đoạn 2011 - 2014, ngành CNHT của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… không có mức tăng trưởng đáng kể, thậm chí giảm tỷ lệ cung ứng nội địa so với thời gian trước, nhưng vẫn cao hơn Việt Nam. Cụ thể, DN Trung Quốc cung ứng 66%, Thái Lan 55%, Indonesia 43%...
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bên lề ICS Vietnam 2015, ông Lê Lộc - Giám đốc Công ty An Việt Long, chuyên gia công các chi tiết cơ khí chính xác cho biết: Các DN CNHT đa phần là DN vừa và nhỏ nên thiếu vốn và công nghệ. Bên cạnh đó, DN lại có thói quen sản xuất theo quy trình khép kín trong nội bộ DN, khiến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Vì vậy, DN mong Nhà nước hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi, từ đó tiếp cận công nghệ, kỹ thuật cao để có thể đối mặt với sức ép cạnh tranh đến từ các tập đoàn lớn.
Đưa ra giải pháp cho quá trình phát triển hệ thống ngành CNHT, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích: Hệ thống các nhà cung ứng hỗ trợ thường chia thành nhiều cấp, như cấp 1, cấp 2, cấp 3... Nếu ngay lập tức đòi hỏi các DN Việt Nam trở thành những nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới là việc rất khó khăn. Trong khi đó, các DN Việt Nam với quy mô nhỏ chỉ có năng lực quản trị, tài chính cũng như công nghệ thấp, do vậy hãy bắt đầu từ việc trở thành những nhà cung ứng ở cấp thấp nhất đi lên. Đồng tình với ý kiến này, ông Katsuro Nagai - Công sứ Kinh tế, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng: Việc củng cố các DN vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, tạo ra việc làm và công nghệ mới, dẫn đến tái cấu trúc các ngành công nghiệp quốc gia. “Tại Nhật Bản, các DN vừa và nhỏ chiếm khoảng 99,7% tổng số DN và chiếm khoảng 70% tổng số lao động. Ngay cả những DN Nhật Bản nổi tiếng như Toyota, Honda và Sony cũng đều bắt đầu hoạt động kinh doanh từ các nhà máy nhỏ” - ông Katsuro Nagai dẫn chứng.
Điều đó cho thấy, để ngành CNHT phát triển, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ phát triển. Đồng thời, cơ quan quản lý hoạch định chính sách phải xác định những ngành nào là công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI như dệt may, cơ khí - điện tử, lắp ráp máy…, bởi những ngành này có nhu cầu lớn về sản phẩm CNHT.
Giới thiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Triển lãm ICS Vietnam 2015. Ảnh: Hoài Nam
|