Trả lời cho những vấn đề nhiều cử tri đề cập là làm sao chống được tiêu cực, tham nhũng; thực hiện đề án lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ những chức vụ do Quốc hội và HĐND các cấp hiệu quả, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, lần này đổi mới tư duy là để dân có ý kiến trước, Đảng có ý kiến sau. Việc làm này phải thật sự cầu thị, lắng nghe để tìm chân lý vì lợi ích chung của đất nước. Tuy nhiên, quan trọng là việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm thế nào cho thực chất, hiệu quả. "Coi chừng bỏ phiếu là đi chạy vận động, sẽ có tình trạng chạy phiếu tức là vận động phiếu. Vận động mà mà bỏ phiếu trung thực, ai tốt thì được nhiều phiếu nhiều, ai xấu thì phiếu ít hoặc không phiếu còn được. Nếu vận động theo kiểu nháy nháy thì hết sức đáng lo lắng. Chúng tôi ghi nhận những ý kiến dặn dò của bà con trong quá trình triển khai lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm để làm thế nào cho thực chất".
Về vấn đề kê khai tài sản, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lấy ví dụ ở Trung Quốc, người ta cũng kê khai tài sản, nhưng nếu bị nghi ngờ thì sẽ bị điều tra ngay, chứ không phải giải trình và họ xử lý cũng rất nghiêm các vụ việc này. Trong phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch nước cho rằng: "Quốc hội phải quản lý, giám sát những cán bộ, lãnh đạo do Quốc hội bầu phê chuẩn. Riêng cử tri thì có nhiều cách giám sát: Nói thẳng ra, không tiện thì đưa giấy tờ. Quan trọng là phải đeo đuổi mục tiêu mà mình phát hiện và yêu cầu chúng tôi phải có hướng giải quyết. Nhiều khi lòng dân không yên vì chúng ta đã xử lý một số vụ án không triệt để. Điều này cần khắc phục ngay".