KTĐT - Hàng năm vào dịp trước Tết Nguyên đán, bà con Mường Rậm (xã Lạc Thịnh, Yên Thủy, Hòa Bình) tổ chức lễ cúng cơm Đe. Mọi người đều gác lại công việc đồng áng, nương rẫy để chuẩn bị đồ chay cúng.
Lễ cơm Đe có từ bao giờ, không ai nhớ, chỉ biết trong cộng đồng người Mường Rậm ở bản Lạc Tề, xã Lạc Thịnh, Yên Thủy, Hòa Bình vẫn còn lưu truyền tích cổ rằng: Thuở ấy, chiến tranh loạn lạc, có vị võ tướng thất trận, vượt rừng chạy qua đất này. Đến Mường Rậm (xã Lạc Thịnh ngày nay) đã quá nửa đêm, vị tướng và tùy tùng gõ cửa nhà một người Mường xin nghỉ lại.
Thương vị tướng và quân sĩ nhưng chẳng có gạo, ngô, muối dự trữ, chủ nhà đành luộc đu đủ, bí xanh, măng giang, đọt vầu rồi giã vừng không có muối để họ chấm ăn đỡ đói lòng. Khách đang ăn, chủ nhà mới nhớ ra còn ít cơm Đe đang ủ chuẩn bị nấu rượu uống Tết bèn mang ra mời thay cơm.
Sáng hôm sau, trước lúc lên đường, cảm động trước tấm lòng của bà con và thương cuộc sống khó nghèo vì hạn hán quanh năm, vị tướng đã lập đàn cầu mưa. Lạ kỳ thay, trời đổ mưa lớn.
Từ đó trở đi, để tưởng nhớ công lao người đã chinh biên cứu nước, cầu mưa cho dân, hàng năm vào dịp trước Tết Nguyên đán, bà con Mường Rậm tổ chức lễ cúng cơm Đe.
Vào ngày này, mọi người đều gác lại công việc đồng áng, nương rẫy để chuẩn bị đồ chay cúng. Trên mâm lễ vẫn là những nông phẩm mà vị tướng thuở nào đã thưởng thức: Đu đủ luộc, mướp, măng đồ chín, vừng rang không muối giã nhỏ và đặc biệt không thể thiếu món cơm Đe.
"Phải chọn gạo nếp nương ngon nhất, ngâm kỹ, vo sạch rồi đồ lên, khi nguội trộn với men lá cây rừng rồi ủ kỹ 7 ngày, khi mở ra nó không còn là cơm nhưng cũng chưa thành rượu, ấy là cơm Đe. Người Mường ở đất Lạc Thịnh này có một ngày riêng dịp cuối năm để cúng cơm Đe. Tết cơm Đe không có hội, chỉ có phần lễ, chỉ ăn chay nhưng bao giờ cũng đông hơn, nhộn nhịp, háo hức hơn Tết Nguyên đán..." - nâng chén rượu rừng lên môi, già Bùi Văn Loát chia sẻ.
Với quan niệm lúc tinh mơ là khoảng thời gian linh thiêng, mát mẻ nhất, nên bao giờ lễ cúng của người Mường cũng diễn ra trước khi mặt trời ló rạng. Mâm lễ được đặt chính giữa hướng nhà, tùy điều kiện từng gia đình mà có thể biện một, hai hoặc ba mâm. Chuẩn bị xong, chủ gia đình mời thầy mo vào vị trí làm lễ. Thầy mo thắp hương, kính cẩn đọc bài tế cầu cho mưa thuận, gió hòa, gia chủ khỏe mạnh, làm ăn tấn tới, mùa màng bội thu, trong êm ngoài ấm, các thành viên trong gia đình cung kính ngồi trong nhà sàn để nhập tâm thông điệp thần linh qua lời cúng. Thời gian lễ nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc thầy mo gieo quẻ, xin đài có được ngay hay không. Lễ cúng kết thúc, cả gia đình ùa ra mở cổng để đón khách vào cùng ăn uống, hưởng lộc. Ai cũng phải thưởng thức một chút cơm Đe để lấy may.