Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Mong muốn tiếp tục được tổ chức

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ít nhất hơn một lần Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bị đặt lên bàn cân, xem xét tính chất có hay không vấn đề bạo lực trong lễ hội.

Vì đính mác “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” nên lễ hội này vẫn được duy trì, dù nhiều lễ hội hiến sinh khác bị cấm. Song, sau sự cố trâu húc chết chủ ngày 1/7, dư luận lại rộn câu chuyện cấm hay không cấm tổ chức.

Nghi vấn trâu 18 có chất kích thích

Theo tường thuật của ông Hoàng Xuân Minh - Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, vòng loại Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2017 diễn ra vào hồi 7 giờ 30 phút ngày 1/7/2017 (tức ngày 8/6 năm Đinh Dậu) gồm 16 trận thi đấu với 32 trâu chọi. Từ trận thứ nhất đến trận thứ 13 diễn ra an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, đến trận thi đấu thứ 14, trâu số 18 của ông Đinh Xuân Hướng (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn) bất ngờ đuổi tấn công người. Sau khi ông Hướng bị trâu húc được đi cấp cứu nhưng đã tử vong.

Trâu số 18 húc văng chủ trâu trong trận đấu thứ 14 ngày 1/7.  Ảnh: Phong pink

Sau sự cố này, Bộ VHTT&DL và UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu dừng tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. Đáng chú ý, UBND TP Hải Phòng còn yêu cầu Ban tổ chức kiểm tra chất kích thích, tăng lực (nếu có) còn tồn dư trong trâu số 18. Bởi vì, lần đầu tiên trong lịch sử chọi trâu của Đồ Sơn để xảy ra tai nạn chết người, và đáng chú ý là trâu húc chết chủ. Hình ảnh trâu chọi số 18 liên tục húc văng ông Hướng cho thấy sự điên loạn, phản chủ của trâu chọi. Với kinh nghiệm của các chủ trâu chọi, nếu không có những kích động rất khó để trâu hung hăng như vậy.

Sau buổi rà soát quy chế tổ chức sáng 2/7, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cũng đã chỉ ra lỗi trong khâu tổ chức: “Trong 28 năm qua, chúng ta đã đặt đúng vấn đề thông tin về giá trị tinh thần của lễ hội hay chưa? Phần quảng bá lễ hội tại địa phương vẫn chỉ chú ý ở phần chọi trâu, ít đề cập phần giá trị thiêng liêng, cốt lõi di sản”.

Chưa có phương án cấm

Hiện nay, Lễ hội này đã phải tạm dừng để các cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra. Song, lãnh đạo UBND quận Đồ Sơn khẳng định, trong lịch sử lễ hội chọi trâu của Đồ Sơn chưa bao giờ xảy ra tai nạn dẫn đến chết người như vậy. “Đây là sự cố hy hữu và đáng tiếc” - ông Hoàng Trung Hiếu - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết. Theo ông Hiếu, Ban tổ chức đã có quy chế chặt chẽ, có phương án đảm bảo an ninh, an toàn… Mong muốn của địa phương là tiếp tục được tổ chức vòng chung kết chọi trâu và sẽ rút kinh nghiệm, kiểm tra sai sót, tăng cường chặt chẽ hơn về khâu mua trâu, huấn luyện, theo dõi trâu, nếu có biểu hiện gì bất bình thường phải triệt để cấm tham gia lễ hội.

GS Ngô Đức Thịnh – Chủ tịch Hội nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cũng rất băn khoăn nếu sau sự cố tai nạn hy hữu này, lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn bị cấm tổ chức vĩnh viễn. Theo ông Thịnh, lễ hội này đã có thương hiệu, nếu cấm vì lý do lỗi của nhà tổ chức thì đi ngược với văn hóa. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền cũng cho rằng không phải vì lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia mà không thể cấm, mà do đây là sự kiện lớn nhất về chọi trâu, hàm chứa nhiều nghi thức truyền thống cũng như ý nghĩa tâm linh. Đồng quan điểm không thể cấm tổ chức, TS Nguyễn Hồng Kiên bày tỏ: “Nếu coi là nét đẹp là truyền thống văn hóa như truyền thống quảng bá lâu nay thì không thể vì một tai nạn mà cấm”.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) cho biết biện pháp sắp tới sẽ giao cho địa phương đối thoại thuyết phục cộng đồng thay đổi hình thức tổ chức. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam được giao phối hợp với các địa phương tổ chức hội thảo, làm sao để ý nghĩa của lễ hội, giá trị của lễ hội không thay đổi. Như vậy, không chỉ là mong muốn của chính quyền địa phương mà từ chuyên gia đến cơ quan quản lý văn hóa cấp Bộ cũng chưa nghĩ đến phương án cấm tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào các năm sau.