Lễ hội hoa anh đào Việt Nam - Nhật Bản 2019: Chiếm trọn tình yêu của công chúng

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ hội hoa anh đào (LHHAĐ) Việt Nam - Nhật Bản 2019 diễn ra từ ngày 29 - 31/3 đã giúp cho công chúng Thủ đô và du khách quốc tế có cơ hội được thưởng thức vẻ đẹp của hoa anh đào, sống trong không gian văn hóa đa chiều khi tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Không gian tràn ngập hoa anh đào tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh: Lại Tấn
Ngập tràn sắc hoa anh đào

LHHAĐ Việt Nam - Nhật Bản 2019 diễn ra vào dịp cuối tuần qua tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, nhà Bát Giác, phố đi bộ Hồ Gươm thu hút đông đảo người dân và du khách quốc tế đến ngắm hoa, chụp ảnh và trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản. Trong năm thứ 3 được tổ chức, LHHAĐ đã trở thành điểm hẹn của người dân Thủ đô và du khách vào dịp đầu xuân. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, từ sáng sớm đã rất đông người dân đến vườn hoa Lý Thái Tổ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa anh đào. Bước vào không gian lễ hội, người dân như được đặt chân đến đất nước mặt trời mọc, sống trong một không gian tràn ngập sắc hoa anh đào.
LHHAĐ Nhật Bản - Hà Nội 2019 tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa, đất nước và con người Nhật Bản đến với Nhân dân Thủ đô, nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy và gắn kết giữa người dân hai nước. Đến với LHHAĐ Nhật Bản - Hà Nội 2019, người dân Thủ đô và du khách quốc tế không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp hoa anh đào, mà còn có thêm những góc nhìn văn hóa đa chiều khi tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống giữa Việt Nam và Nhật Bản cùng với sự tham dự của Đại sứ thiện chí hoa anh đào Việt Nam 2019.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý

Năm nay, với lượng hoa nhiều, chủng loại hoa cũng đẹp hơn các năm trước, LHHAĐ được trang trang hoàng rực rỡ, hấp dẫn người dân và du khách. Các tiểu cảnh hoa được sắp đặt khéo léo dưới bàn tay nghệ thuật của các nghệ nhân cắm hoa đến từ Nhật Bản cùng với nghệ nhân, nhân công Việt Nam. Trong đó, nơi tập trung nhiều người nhất là khu vực chân tượng đài Lý Thái Tổ. Ở đây, hàng nghìn cành đào cùng hơn 10.000 cành anh đào đã được các chuyên gia sắp xếp, trang trí tươm tất và bung nở vào đúng dịp diễn ra lễ hội.

Theo đại diện Công ty AIC Nguyễn Tăng Minh (đơn vị phụ trách trang trí hoa anh đào), trước ngày khai mạc (29/3) đã có 20.000 cành và gần 300 cây anh đào được nhập về. Riêng khu vực tượng đài, khoảng 10.000 cành hoa anh đào được thiết kế dày đặc, mang theo những ý tưởng rõ rệt. Bên trái của tượng đài là những thiết kế mang đặc trưng của Nhật Bản. Bên phải là các biểu tượng Việt như nón lá, đèn lồng Hội An, vào ban đêm, các biểu tượng sẽ hắt sáng để tôn vinh vẻ đẹp của hoa.

Chia sẻ về cảm xúc khi tham gia LHHAĐ, bà Nguyễn Tuyết Minh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Ba năm nay, vào dịp cuối tháng 2 và đầu tháng 3, tôi và các bạn đồng niên lại háo hức đi ngắm và chụp ảnh hoa anh đào tại bờ Hồ. Chúng tôi bất ngờ khi một lễ hội lớn như vậy nhưng không thu phí. Trong khi trước đó, đi ngắm hoa anh đào giả diễn ra ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ hoặc Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đều mất tiền mua vé từ 40.000 đồng/vé.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, do LHHAĐ được sắp xếp vào ngày nghỉ cuối tuần, không gian trung tâm lễ hội đôi lúc có hiện tượng quá tải. Nhân viên an ninh thường xuyên nhắc nhở người dân đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng “xin hoa”. Mặt khác, một nhân viên trang trí cho biết, các chuyên gia đang tăng cường thêm nước, liên tục giữ ẩm cho các gốc cây và cánh hoa để bảo đảm hoa tươi, bền đẹp, góp phần tôn vẻ đẹp của LHHAĐ năm nay, nhất là trong điều kiện thời tiết ngày một nắng ấm của Hà Nội.

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH&TT) Bùi Hương Thủy - thành viên ban tổ chức: So với năm ngoái, ngày đầu diễn ra LHHAĐ mật độ người đến tăng gấp đôi. Theo như cảm nhận một số người đi lễ hội, vì chương trình đã thành thương hiệu, nên ngày càng có nhiều người biết đến hơn. Mọi người đã rủ nhau tham dự ngày càng đông hơn. Số lượng bảo vệ, trông coi giữ gìn trật tự lễ hội cũng tăng gấp đôi. Bảo vệ và nhân viên công ty môi trường đô thị chia từng ca, làm việc cật lực từ 7giờ sáng đến 22 giờ đêm”.

Điểm hẹn giao lưu văn hóa

Cùng với không gian trưng bày hoa anh đào và các loài hoa đặc trưng của Việt Nam và Hà Nội, LHHAĐ Nhật Bản - Hà Nội 2019 hội tụ nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật; xúc tiến đầu tư thương mại du lịch cũng như trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị về giáo dục, y tế, như: Trình diễn văn hóa, nghệ thuật Nhật Bản - Hà Nội; giới thiệu, quảng bá ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam.

Nổi bật trong số các hoạt động thuộc khuôn khổ LHHAĐ là không gian giới thiệu ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam tại Cung Thiếu nhi với 21 gian hàng. Ban tổ chức đã giới thiệu một số món ẩm thực tiêu biểu của Nhật Bản như bánh Takoyaki, mì Soba, mì Ramen, Sushi. Cùng với đó, một số món ăn đặc trưng của Việt Nam như phở, bánh chưng, bún thang bà Ẩm, bánh khúc cô Lan, xôi chè Phú Thượng, bánh cuốn bà Hoành, cà phê Giảng được giới thiệu.

Theo cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo ABE, ngài Ijima Isao, các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Nhật Bản những năm qua thêm thắt chặt tình hữu nghị, hiểu biết giữa hai quốc gia. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có LHHAĐ, cuộc thi tìm kiếm Đại sứ hoa anh đào... sẽ là cầu nối văn hóa, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ thân thiết giữa nhân dân hai nước.

Năm nay, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện xung quanh LHHAĐ, cuộc thi Đại sứ hoa anh đào đã chọn ra hai thí sinh Trần Diệu Anh và Phạm Ngọc Linh được trao vương miện, trở thành hai Đại sứ thiện chí hoa anh đào 2019 thứ nhất và thứ hai. Mang trên vai trọng trách to lớn, những Đại sứ thiện chí hoa anh đào có vai trò như cầu nối văn hóa và thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Trồng thêm cây hoa anh đào tại Công viên Hòa Bình

Nằm trong khuôn khổ của LHHAĐ Nhật Bản - Hà Nội 2019, ngày 30/3 lãnh đạo TP Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện AIC Group đã tổ chức trồng tượng trưng cây hoa anh đào để hướng tới tiếp tục trồng thêm loại cây tại Công viên Hòa Bình, Hà Nội. Theo Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Shinzo Abe Ijima Isao, việc trồng cây hoa anh đào tại Hà Nội giúp người dân Thủ đô có thêm hiểu biết về văn hóa Nhật Bản; góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị bền chặt, tin tưởng giữa Việt Nam - Nhật Bản. Hiện nay, tổng số cây hoa anh đào được trồng tại Công viên Hòa Bình là trên 3.000 cây, nhiều cây được trồng từ năm 2017 đã nở hoa đẹp mắt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần