Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ phục Việt Nam: Đề án mở giữa hiện đại và truyền thống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm (MTNA&TL) cho biết: "Trong tháng 7 này, cuộc thi thiết kế lễ phục Việt Nam sẽ được phát động".

Dù sau khi ban cố vấn của đề án lễ phục đã đưa ra 2 đáp án lựa chọn, song những người trong cuộc vẫn không khỏi lo lắng về sự nhiệt tình của các nhà thiết kế (NTK) cũng như sự thành công của cuộc thi.   
 
Đề bài ban đầu

Sau rất nhiều băn khoăn giữa các luồng ý kiến, phải đến năm 2012, Cục MTNA&TL mới đưa ra 3 cuộc hội thảo lớn bàn về lễ phục quốc gia. Và chờ mãi đến cuối tháng 6/2013, khi Hội đồng chấm lễ phục Nhà nước cùng ban cố vấn của đề án lễ phục được thành lập, thể lệ cuộc thi mới chính thức "thành hình" để chuẩn bị phát động trên toàn quốc.
 
 
Lễ phục Việt Nam: Đề án mở giữa hiện đại và truyền thống - Ảnh 1
 
Bộ lễ phục thường thấy của nam - nữ trong ngày cưới.  Ảnh: Đạt Quan

Theo Cục MTNA&TL, cuộc thi thiết kế lễ phục Việt Nam hướng đến các cá nhân, tổ chức, nhà thiết kế chuyên nghiệp và không chuyên. Ngoài ra, các đối tượng là người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài trên 18 tuổi đều được mời tham dự. Mục đích là tìm và chọn được bộ lễ phục Việt Nam để sử dụng và tôn vinh ý thức tự hào dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Việc tổ chức cuộc thi nhằm giải quyết vấn đề về nghi thức, hình thức trang phục trong các hoạt động quốc tế và quốc gia.

Thế nhưng, thể lệ chung chung sẽ không ra được đề bài chính cho cuộc thi này. Bởi sau bao nhiêu năm khởi động, cũng từng phát động cuộc thi, nhưng vấn đề lễ phục Việt Nam dường như vẫn là bài toán không có đề bài và càng không tìm được lời giải. Chính vì vậy, sau nhiều lần bàn bạc, ban cố vấn đã quyết định thay vì chỉ chọn một cặp lễ phục cho nam và nữ, cuộc thi sẽ chọn ra 2 cặp lễ phục đại diện cho hai xu hướng truyền thống và hiện đại. Nghĩa là áo dài và complet sẽ là đại diện cơ bản cho 2 xu hướng sáng tạo này. Đây được coi là đề bài mới, có nhiều yếu tố gợi mở thu hút sự tham gia sáng tạo của các NTK Việt Nam.

Nhiều áp lực

Dù đề bài đã được đặt ra, song trong quá trình lựa chọn lễ phục, 10 người vẫn… 10 ý. Ông Vi Kiến Thành không giấu giếm: "Các thành viên trong ban cố vấn và BTC thực hiện đề án này cũng có những ý kiến khác nhau tới mức trái ngược". Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao, thành viên BTC cuộc thi, đặc biệt chú ý đến tính khả thi của các mẫu lễ phục. Mẫu lễ phục được lựa chọn chính thức nên chăng nhấn mạnh yếu tố "mang tính đại diện xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế" hơn là tiêu chí "mang tính biểu tượng cao, là trang phục đại diện cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam". Còn đại diện Công ty quảng cáo Phước Sơn, cũng là một thành viên BTC, lại nhìn nhận ở góc độ hình ảnh truyền thông, cho rằng, nếu không cụ thể hóa từng tiêu chí như biểu tượng, họa tiết, màu sắc, chất liệu... thì dễ khiến các NTK lan man. Đó là chưa kể, nhiều người lại đặt cao tiêu chí "mang đậm bản sắc Việt Nam". Như vậy, các bộ âu phục sẽ được thiết kế theo hướng nào cho phù hợp để không khiên cưỡng theo kiểu in hình trống đồng, chim lạc, hoa sen... lên nền áo?

Theo ông Vi Kiến Thành, khả năng sáng tạo của giới thiết kế thời trang Việt Nam được khẳng định bằng nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, đó cũng là cánh cửa mở để thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Thành cũng tỏ ra lo lắng rằng làm thế nào để huy động được nguồn lực đó. Chính vì vậy, trước khi phát động cuộc thi này, bản thân Cục trưởng Vi Kiến Thành đã soạn bức thư ngỏ gửi giới truyền thông kỳ vọng các NTK sẽ nhiệt tình tham gia. Bởi, ông và những người trong cuộc rất hiểu, cuộc thi là bài toán khó đối với giới làm nghề, nhất là trong bối cảnh dư luận đang đặc biệt quan tâm, nghĩa là áp lực sẽ vô cùng lớn, trong khi thành công để ghi dấu ấn, tên tuổi lại sẽ chỉ dừng ở một vài lựa chọn.

Theo dự kiến, sau khi tập hợp các mẫu dự thi, Hội đồng chấm giải sẽ làm việc tích cực để đưa ra kết quả của các mẫu lễ phục vào cuối năm 2013.