Sắm Tết sớm để... tiết kiệm
Ngày cuối tuần, thay vì thói quen nghỉ ngơi, chị Huệ, ở Đống Đa cùng chồng đi sắm Tết tại siêu thị. Đủ các thứ đồ lỉnh kỉnh trên chiếc xe đẩy: Bia, nước ngọt, mì chính, bột nêm, bánh kẹo... Theo chị Huệ, hầu hết thời điểm cuối năm, các cửa hàng, siêu thị, đại lý tại Hà Nội sẽ tổ chức khuyến mại. "Từ bây giờ đến Tết, tôi tính mua sắm rải rác ra làm nhiều đợt chứ không nhất thiết chỉ mua sắm ồ ạt 1 - 2 đợt. Như vậy sẽ tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể" - chị Huệ chia sẻ.
Theo bà Thanh, ở Thanh Xuân, quy luật tất yếu của thị trường, vào những ngày giáp Tết, sức mua tăng lên cũng là lúc tất cả các mặt hàng cũng bắt đầu tăng giá. Bởi thế, có thời gian, bà đã bắt đầu mua sắm dần ngay từ bây giờ. Bà Thanh cho biết, những loại hàng bà mua sắm trước là bánh kẹo, chè thuốc, rượu, măng, miến… các loại gia vị: đường, muối, nước mắm...Thời gian này, những khu chợ bắt đầu nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, thay vì bỏ một khoản tiền lớn để mua những thực phẩm ăn Tết sẵn có, có thời gian, một số chị em lại tự tìm mua các nguyên liệu về làm. Không chỉ yên tâm về vệ sinh thực phẩm, theo tính toán của các bà nội trợ này, giá thành của thực phẩm tự làm rẻ hơn từ 30 - 40% so với thực phẩm mua sẵn.
Ra chợ đầu mối, về quê sắm Tết
Chị Hòa làm việc tại một công ty máy tính cho hay, năm nay, kinh tế khó khăn, thưởng Tết chắc cũng không nhiều nên sắm gì các bà nội trợ đều cân nhắc, tìm nguồn hàng giá rẻ, chất lượng đảm bảo. Theo như tìm hiểu của chị em trong công ty thì mua hàng ở chợ đầu mối Đồng Xuân có thể sẽ rẻ hơn được gấp rưỡi so với giá bán lẻ tại các chợ bên ngoài. Nhưng ngặt một nỗi, hầu hết hàng hóa ở đây đều phải mua buôn.
Đem nỗi niềm bày tỏ với các chị em trong công ty, chị Hòa cũng nhận được những lo lắng tương đồng. Vậy là mấy chị em nảy ra ý tưởng chung nhau tiền để đi chợ đầu mối sắm hàng Tết, vừa rẻ vừa bảo đảm chất lượng. Chị Hòa cho biết: "Mình mua măng củ khô loại ngon ở đây giá là 240.000 đồng/kg, rẻ hơn vài chục ngàn so với mua lẻ hàng ở chợ mà lại có nhiều loại để lựa chọn. Tính ra mua cả chục cân cũng tiết kiệm được một khoản kha khá, mấy chị em có thêm tiền mua những mặt hàng khác nữa. Theo đó, các mặt hàng như miến, mộc nhĩ… cũng được chị em trong cơ quan góp tiền mua chung như vậy".
Bà Lan, một cán bộ nghỉ hưu cho biết, nhà đông con cháu nên thời điểm này, bà đã lên dần danh sách những thứ cần mua để cuối tuần tranh thủ về quê đặt hàng, mua sắm. "Mua thế này mất công một chút nhưng tiết kiệm được cho gia đình" - bà Lan nói.
Kinh tế khó khăn, lương thưởng Tết giảm nhưng dù có cắt giảm thứ này hay thứ khác cũng không thể sắm Tết sơ sài quá nên ai nấy đều phải tự lên kế hoạch để "liệu cơm gắp mắm" cho gia đình mình.
Khách hàng lựa chọn hàng tiêu dùng tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Xuân. Ảnh: Huy Hùng
|
Nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá Sau giá gas tăng, các mặt hàng tiêu dùng đang rục rịch nhích giá. Thậm chí một số loại đồ uống như bia, nước ngọt... đã có dấu hiệu bị làm giá. Trên địa bàn Hà Nội, mặt hàng bia không khan hiếm, nhưng mức giá bán chênh lệch nhau khá lớn. Tại đại lý lớn trên phố Tây Sơn, bia Heiniken lon ngắn giá 380.000 đồng/thùng; bia Tiger 290.000 đồng/thùng, bia Heiniken lon dài giá 570.000 đồng/thùng... Phần lớn các nhà phân phối lẻ đều khẳng định, năm nào đến thời điểm cuối năm giá bia cũng tăng. Ngoài bia, hiện nay các mặt hàng thực phẩm như thịt bò, thịt gà, rau củ quả... cũng đã có biến động. |