Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lệnh ngừng bắn Syria: Trò đánh cược may rủi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 ngày không có thương vong, những dân thường đầu tiên đã bị thiệt mạng trong các vụ xung đột giữa chính phủ Syria và phe nổi dậy.

Các xe viện trợ vẫn nghẽn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đặt ra một câu hỏi lớn: thỏa thuận ngừng bắn lần 2 ở Syria sẽ thành công hay vẫn là trò đánh cược may rủi?

Bạo lực tiếp diễn, viện trợ nghẽn

Hôm 16/9, giới chức Nga - Mỹ cho biết, họ muốn kéo dài lệnh ngừng bắn tại Syria, bất chấp việc bạo lực vẫn xảy ra, xói mòn hiệu quả lệnh ngừng bắn và khiến việc viện trợ nhân đạo không thể tiếp tục.

Nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn thứ 2 trong năm nay bởi 2 “đối thủ” thời Chiến tranh lạnh đã thành công trong việc hạn chế xung đột, tuy nhiên, đây vẫn là một vụ “đánh cược” rủi ro.
Bạo lực vẫn diễn ra bất chấp nỗ lực kéo dài lệnh ngừng bắn của giới chức Nga - Mỹ.
Bạo lực vẫn diễn ra bất chấp nỗ lực kéo dài lệnh ngừng bắn của giới chức Nga - Mỹ.
Thỏa thuận ngừng bắn đã được miễn cưỡng chấp nhận bởi phe đối lập, những người vốn cho rằng, thỏa thuận này đang ủng hộ chính phủ Syria của Tổng thống Assad nhiều hơn. Tuy nhiên, phe đối lập cho biết, họ không còn lựa chọn nào khác vì các điều kiện sống khắc khổ của người dân trong khu vực bị bao vây. Trong khi đó, chính phủ của ông Assad, nắm giữ lợi thế mạnh nhất trên các chiến trường từ những ngày đầu của cuộc nội chiến, cũng không vội vàng thỏa hiệp.
Sau 3 ngày tình trạng bạo lực giảm rõ rệt và không có tử vong, ngày 15/9 đã chứng kiến việc các thường dân thiệt mạng đầu tiên, theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria. Sau đó, 3 người nữa thiệt mạng và 13 người khác bị thương trong các cuộc không kích ở tỉnh Idlib hôm thứ Sáu (16/9).

Cùng ngày, cuộc đụng độ nhấn khu vực phía đông của Damascus vào khói bom đạn. Cư dân ở trung tâm thành phố đã bị thức giấc bởi một tiếng nổ lớn, một nhân chứng cho biết. Tổ chức giám sát của Anh cho biết, bạo lực bắt nguồn từ các cuộc đụng độ giữa quân nổi dậy và lực lượng chính phủ ở quận Jobar, ngoại ô phía đông Damascus. Cả phe chính phủ và đối phập đều đổ lỗi cho bên còn lại đã phát động tấn công.

Các tranh chấp chính cho đến nay vẫn là việc viện trợ đến Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria trước chiến tranh. Cả 2 bên đều cáo buộc nhau không rút khỏi đường Castello - tuyến đường chính dẫn vào khu vực của phe nổi dậy ở Aleppo, được sử dụng để hỗ trợ nhân đạo.

2 đoàn xe cứu trợ đến Aleppo chứa lương thực cho khoảng 35.000 người vẫn còn bị mắc kẹt ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều ngày trong khi các bên vẫn tiếp tục tranh cãi và đổ lỗi cho nhau.

Không thể kiểm soát

Mặc dù cả Moscow và Washington đều nỗ lực kéo dài lệnh ngừng bắn nhưng chính giới chức 2 nước vẫn tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của lệnh ngừng bắn do chính mình “thiết kế”. Moscow cho biết sẵn sàng để mở rộng các thỏa thuận ngừng bắn 72 giờ và kêu gọi Washington tạo sức ép yêu cầu phe đối lập tuân thủ. Đáp lại, Washington cũng báo động về sự thất bại của việc cung cấp viện trợ.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu trong cuộc họp báo rằng, quá trình vẫn đang có những tiến triển, mặc dù có một số thất bại. Nhưng quan chức Bộ Quốc phòng Nga nhận định, tình hình ở Syria "có thể vượt khỏi tầm kiểm soát" trừ khi Washington buộc phe nổi dậy thực hiện theo thỏa thuận ngừng bắn. "Chúng tôi hy vọng chính phủ Mỹ sẽ có các biện pháp nhằm gây sức ép ảnh hưởng đến các nhóm vũ trang và yêu cầu họ thực hiện một cách chặt chẽ các thỏa thuận”, Trung tướng Viktor Poznikhir nói.

Giới chức Nga và Mỹ vẫn đang nỗ lực để tìm kiếm sự ủng hộ thỏa thuận này. Tuy nhiên, cuộc họp trước các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về thỏa thuận này được lên kế hoạch hôm thứ Sáu (16/9) đã bị hủy vào phút chót mà không một lời giải thích, các nhà ngoại giao cho biết.

Trong khi đó, Tổng thống Assad cũng dường như kiên quyết hơn bao giờ hết. Ông thề sẽ giành lại toàn bộ đất nước, đang mất vào tay của phe nổi dậy, các chiến binh thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng dân quân người Kurd.