Theo đó, các biện pháp đã được siết chặt lên mức cao nhất trong vòng hai thập kỷ qua. Đây là một trong những động thái phản ứng lại việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa vào tháng trước.
Cụ thể, lệnh trừng phạt này cho phép kiểm tra tất cả tàu thuyền chở hàng tới và đi từ quốc gia này, bên cạnh 16 đối tượng và 12 tổ chức bị liệt vào danh sách đen, trong đó có đại diện thương mại Triều Tiên tại Syria, Iran và Việt Nam.
Vụ phóng tên lửa hồi tháng 2 của Bình Nhưỡng vấp phải phản đối từ cộng đồng quốc tế.
|
“Hôm nay, cộng đồng quốc tế, cùng thống nhất gửi tới Bình Nhưỡng một thông điệp: CHDCND Triều Tiên cần dỡ bỏ những chương trình nguy hiểm này, đồng thời lựa chọn một tiến trình tốt hơn cho đời sống nhân dân”, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu.
Đại sứ Mỹ về LHQ Samantha Power cũng khẳng định “một thực tế” rằng Triều Tiên tập trung vào phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo hơn là đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân.
Bên cạnh việc kiểm soát bắt buộc tàu thủy, lệnh trừng phạt cũng cấm các hoạt động mua sắm, vận chuyển vũ khí hạng nhẹ tới Triều Tiên, đồng thời trục xuất các nhà ngoại giao Triều Tiên dính líu tới “hoạt động trái phép”.
Washington cùng các đồng minh phương Tây và Nhật Bản đã từ lâu kỳ vọng những lệnh trừng phạt mới nhanh chóng có hiệu lực. Mặt khác, Trung Quốc thể hiện rõ thái độ ngần ngại trước việc này, cho rằng sự bất ổn tại Triều Tiên sau lệnh trừng phạt sẽ khiến nền kinh tế này sụp đổ.
Nghị quyết của LHQ nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt mới không có ý định dẫn tới “các hệ lụy về nhân đạo” cho người dân nước này, vốn đã trải qua tình hình thiếu thốn lương thực và khó khăn tài chính.
Việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa vào tháng trước và thử hạt nhân lần thứ 4 vào hồi tháng 1 được coi là hành động vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của LHQ, theo BBC.