KTĐT - Chính phủ các nước cần nắm lấy cơ hội sau khủng hoảng và thiên tai để tăng cường nhận thức của người dân rằng đất nước họ sẽ được xây dựng lại tốt hơn nếu phụ nữ và nam giới có chỗ đứng ngang bằng.
Liên hợp quốc cho rằng chính phủ các nước cần tăng cường nhận thức rằng việc tái thiết đất nước sẽ tốt hơn nếu phụ nữ được bình đẳng với nam giới.
Ngày 20/10, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố báo cáo về tình hình dân số thế giới năm 2010, trong đó cho rằng việc phân biệt đối xử đối với phụ nữ không chỉ làm họ trở thành những người phải chịu những tác động xấu nhất của xung đột và thiên tai, mà còn làm cho đất nước bị mất đi động cơ chính mang lại sự phục hồi cho đất nước.
Báo cáo "Từ xung đột và khủng hoảng đến phục hồi: Nhiều thế hệ thay đổi," được UNFPA công bố tại London (Anh), cũng cho rằng khi phụ nữ có các quyền và cơ hội bình đẳng với nam giới thì khả năng chống chọi của họ với xung đột và thiên tai tốt hơn.
Chính phủ các nước cần nắm lấy cơ hội sau khủng hoảng và thiên tai để tăng cường nhận thức của người dân rằng đất nước họ sẽ được xây dựng lại tốt hơn nếu phụ nữ và nam giới có chỗ đứng ngang bằng.
Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Richard Kollodge, thành viên của UNFPA, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền cho phụ nữ trong quá trình phục hồi sau xung đột và thiên tai. Ông nói: "Trong khi phụ nữ hiếm khi gây chiến, họ lại là người hứng chịu những hậu quả xấu nhất của chiến tranh và đến khi hòa bình được lập lại thì họ lại thường không có vai trò trong quá trình tái thiết."
Báo cáo của UNFPA được công bố đúng dịp kỷ niệm 10 năm Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết 1325 với mục đích chấm dứt tình trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trong các cuộc xung đột vũ trang và khuyến khích sự tham gia lớn hơn của phụ nữ vào các sáng kiến xây dựng hòa bình.
Cùng ngày, Cơ quan kinh tế và xã hội Liên hợp quốc (DESA) cũng công bố báo cáo "Phụ nữ thế giới năm 2010: Xu hướng và số liệu thông kê" khẳng định tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn tràn lan trên toàn thế giới. Phong tục, tập quán vẫn quyết định cách người phụ nữ được đối xử trong gia đình, tại nơi làm việc và trong cộng đồng.