Chủ định này đã được hai nước công bố sau khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đẩy đưa vệ tinh lên quỹ đạo ngày 7/2 vừa qua. Điều đáng chú ý ở đây là tuy vừa cùng với Mỹ đưa dự thảo nghị quyết nói trên ra HĐBA LHQ nhưng Trung Quốc - và cả Nga nữa - phản đối dự định của Mỹ và Hàn Quốc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc. Ở khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện Mỹ chỉ có ở đảo Guam hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy.
Nhật Bản cũng đang xem xét khả năng tham gia nếu Mỹ và Hàn Quốc triển khai thực hiện. Trung Quốc và Nga lo ngại Mỹ và đồng minh chiến lược như Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường vũ trang ở khu vực, qua đó làm thay đổi tương quan sức mạnh quân sự theo hướng có lợi cho Mỹ và đồng minh. Bởi thế, với việc thực hiện dự định này, Mỹ và Hàn Quốc có thêm con chủ bài với ý nghĩa chiến lược không hề nhỏ cho cuộc đối địch với CHDCND Triều Tiên, nhưng không thể không gây ảnh hưởng tiêu cực gì tới quan hệ của Mỹ và cả của Hàn Quốc với Trung Quốc và Nga.
Rõ ràng là Mỹ đã tận dụng thời thế lúc này để lấn tới, dùng cớ đối phó với CHDCND Triều Tiên để đề cao cả thế của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc. Nhiều khả năng Trung Quốc đã bị Mỹ cho quả đắng khi vừa cùng Mỹ và giúp Mỹ có được nghị quyết mới của HĐBA LHQ về xiết chặt và mở rộng những biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên thì đã lại phải lo ngại ngay về bước đi tiếp theo của Mỹ và Hàn Quốc ở khu vực. Trung Quốc đã công khai phản đối ý định nói trên của Mỹ và Hàn Quốc nên không thể có chuyện chấp nhận để họ thực hiện ý định này trong thương thảo song phương về nghị quyết kia. Nhưng CHDCND Triều Tiên mới gặp khó nhiều hơn cả.