Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lịch sử nên là môn học bắt buộc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ là sai lầm lớn nếu không xếp Lịch sử là môn...

Kinhtedothi - Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ là sai lầm lớn nếu không xếp Lịch sử là môn học bắt buộc, có vị trí xứng đáng hơn trong các môn học khác.

Đã nhạt nhòa lại càng lép vế

Theo Dự thảo, các môn học tự chọn được phân làm 3 loại, trong đó Lịch sử được xếp vào loại môn tự chọn trong nhóm môn học. Học sinh (HS) buộc phải chọn một hoặc một số môn ngoài môn bắt buộc. Nhiều ý kiến cho rằng, môn Lịch sử không bắt buộc, không thi cử, như vậy môn học này từ lâu đã nhạt nhòa, nay càng trở nên lép vế. Không ít người còn lo lắng, trong tương lai môn học này sẽ dần bị khai tử.
Giờ học Lịch sử của học sinh trường THPT Tiền Phong, huyện Mê Linh. 	Ảnh: Phạm Hùng
Giờ học Lịch sử của học sinh trường THPT Tiền Phong, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Vì thế, đã có hàng ngàn ý kiến thông qua mạng xã hội, cũng như trực tiếp từ các chuyên gia, giáo viên bày tỏ quan điểm nên đưa Lịch sử là môn học và thi bắt buộc. Điển hình như cô giáo Nguyễn Hương Trà – GV dạy môn Lịch sử tại một trường THCS ở huyện Sóc Sơn, cho biết: “Môn Lịch sử cần phải đặt đúng vị thế, chức năng của nó trong hệ thống giáo dục phổ thông, đồng thời phải có cơ chế phù hợp trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy - học, để HS không quay lưng với môn Lịch sử. Bên cạnh chủ trương, cũng cần áp dụng biện pháp rà soát lại sách giáo khoa Lịch sử sao cho phù hợp. Tóm lại, theo tôi, dù thế nào thì ngành giáo dục cũng nên để Lịch sử là môn bắt buộc”.

Cũng chung quan điểm này, một bạn có nick Hà Nam còn phân tích, nếu thực hiện theo Dự thảo của Bộ GD&ĐT thì từng bước biến thế hệ trẻ thành các cỗ máy không biết đâu là nguồn cội. Tại sao những nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản... lại quan tâm đến giáo dục lịch sử của đất nước họ? Những người “cầm cân nảy mực” cho giáo dục Việt, nên suy xét kỹ trước khi đưa ra quyết định. Còn một độc giả có tên hung 04, viết: “Tôi nghĩ, không phải cứ có tình yêu, thích hay đam mê mới học môn Lịch sử. Cũng không phải “Phải bắt buộc”, HS mới học môn Lịch sử. Những người làm công tác sư phạm phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc tạo cho HS hứng thú với môn Lịch sử và truyền sang cho HS thấy rằng học Lịch sử nước nhà là trách nhiệm của mỗi HS, của mỗi người công dân Việt Nam”.

Có cần lo lắng?

Vậy là điều đang khiến người lớn lo ngại hiện nay là nhiều HS sẽ “bỏ qua” nhiều môn học mang tính bản lề như Lịch sử. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển lại khẳng định: "Không nên quá lo lắng bởi môn học này sẽ được lồng ghép khéo léo nội dung vào một số môn học liên quan". Theo phân tích của ông Hiển, Lịch sử vừa là nội dung tự chọn, nhưng cũng là nội dung bắt buộc ở cấp THPT, bởi trong mỗi lĩnh vực giáo dục có nhiều môn học. Đối với giáo dục lịch sử thì không chỉ có môn Lịch sử với kiến thức lịch sử. Ví dụ trong chương trình giáo dục phổ thông sắp tới có môn Công dân với Tổ quốc. Đây là môn tích hợp, có phần nội dung về kiến thức giáo dục công dân, giáo dục lịch sử, giáo dục quốc phòng an ninh. Như vậy môn này là bắt buộc từ lớp dưới cho đến lớp trên, nghĩa là đã có cả phần bắt buộc về Lịch sử trong đó. Các kiến thức về Lịch sử như vậy đã được hỗ trợ và phối hợp truyền tải đến HS qua nhiều góc cạnh.

Vậy nhưng, trao đổi với phóng viên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu lồng ghép kiến thức Lịch sử vào các môn học liên quan thì quá mơ hồ, mà lại không chính thống. Ông Nguyễn Văn Ninh - Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, cần để HS nhận thức đúng vai trò của môn Lịch sử đối với đào tạo toàn diện con người, bồi dưỡng nhân cách, ý thức dân tộc. Theo ông Ninh, không phải HS không chọn học, thi môn Lịch sử là không yêu thích, mà xuất phát từ thực tiễn, thi cử không có nhiều lựa chọn cho nghề nghiệp sau này. "Một minh chứng cụ thể, khi đến trường phổ thông Nguyễn Tất Thành hỏi, có đến 100% HS thích học Lịch sử, thế nhưng khi thi chỉ một vài HS chọn, bởi môn học không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Tuy nhiên, để “dân ta phải biết sử ta”, môn Lịch sử phải là môn bắt buộc, cần có vị trí xứng đáng hơn trong các môn học” – ông Ninh nhấn mạnh.

Còn theo GS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, HS đã chán môn Lịch sử, mà trong chương trình mới lại cho tự chọn thì càng nguy hiểm. Nếu HS quay lưng lại với môn học thì cũng tai hại cho tương lai đất nước. Vì vậy nhất định phải để môn này là môn học bắt buộc.
“Trong lực học của HS, quan trọng bậc nhất là nhân cách, là tư duy độc lập sáng tạo, là những tố chất tạo nên bản lĩnh con người, trong đó kiến thức cơ bản và giá trị lịch sử văn hóa là nền tảng. Riêng đối với Việt Nam, Lịch sử càng giữ vai trò quan trọng gắn liền với sự tồn vong của dân tộc”.
GS Phan Huy Lê