Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên hợp quốc phát động Thập kỷ đa dạng sinh học

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh sự phát triển bền vững của nhân loại ngày càng phụ thuộc nhiều vào sự đa dạng sinh học cũng như các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mà nó mang lại cho con người.

Ngày 19/12, tại thành phố Kanazawa, Nhật Bản, Liên hợp quốc đã phát động Thập kỷ đa dạng sinh học với thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi nhân loại sống hài hòa hơn với tự nhiên, duy trì và quản lý thích hợp sự đa dạng của tự nhiên vì sự phát triển của nhân loại.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh sự phát triển bền vững của nhân loại ngày càng phụ thuộc nhiều vào sự đa dạng sinh học cũng như các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mà nó mang lại cho con người.

Trong khi người nghèo là đối tượng đầu tiên và phải chịu hậu quả lớn nhất của sự mất đa dạng sinh học, toàn nhân loại cũng bị thiệt hại khổng lồ do sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài trong tự nhiên.

Nhân loại có thể không bao giờ biết được những cơ hội quý báu về những bệnh nan y có thể được điều trị hoặc những phát hiện bổ ích khác từ tự nhiên do nhiều hệ sinh thái bị hủy hoại vĩnh viễn hoặc đất đai bị ô nhiễm không thể sử dụng được.

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố Thập kỷ 2011-2020 là Thập kỷ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học nhằm thúc đẩy các chiến lược đa dạng sinh học và một tầm nhìn toàn diện về cuộc sống hài hoà với thiên nhiên với mục tiêu đảm bảo đa dạng sinh học ở mọi cấp độ khác nhau. Thông qua Thập kỷ này, các chính phủ được yêu cầu phát triển, thực hiện và thông tin về kết quả của các chiến lược quốc gia thực thi Kế hoạch chiến lược của Liên hợp quốc trong Thập kỷ này.

Liên hợp quốc nhấn mạnh các hệ sinh thái ổn định sẽ tạo ra nhiều việc làm. Trong khi thế giới phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên, sử dụng bền vững hệ sinh thái không chỉ là đường lối xanh sinh thái mà còn là trụ cột không thể thay thế của phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai. Hoạt động của con người gây ra sự tuyệt chủng của động thực vật nhanh gấp hàng trăm hoặc hàng nghìn lần tốc độ tuyệt chủng tự nhiên. Nhân loại hiện không thể đảo ngược được nạn tuyệt chủng nhưng cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn vấn nạn này.

Trong Thập kỷ đa dạng sinh học, cam kết bảo vệ hơn 8 triệu loài động thực vật để góp phần cân bằng sự sống trên Trái Đất thực sự sẽ là thử thách lớn đối với nhân loại.

Liên hợp quốc đã thành lập Diễn đàn liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES), một cơ quan mới của Liên hợp quốc với bốn chức năng chính là phát triển tri thức, đánh giá, hỗ trợ chính sách, xây dựng năng lực để ngăn chặn đạt hiệu quả cao nhất sự tuyệt chủng của các loài và sự tổn hại các hệ sinh thái.