KTĐT - Nghị quyết về kiểm soát vũ khí thông thường nhấn mạnh kiểm soát vũ khí thông thường cần được thực hiện trước hết tại các tiểu khu vực và khu vực vì hầu hết các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh sau chiến tranh lạnh đều nổi lên chủ yếu giữa các nước trong cùng khu vực hoặc tiểu khu vực.
Ngày 29/10, trong phiên hợp toàn thể, Ủy ban giải trừ quân bị và an ninh quốc tế Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 đã thông qua 16 nghị quyết về giải trừ quân bị khu vực, tác động của việc sử dụng urani đã làm nghèo, củng cố hòa bình thông qua giải trừ quân bị thực sự và kiểm soát vũ khí thông thường...
Nghị quyết về kiểm soát vũ khí thông thường nhấn mạnh kiểm soát vũ khí thông thường cần được thực hiện trước hết tại các tiểu khu vực và khu vực vì hầu hết các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh sau chiến tranh lạnh đều nổi lên chủ yếu giữa các nước trong cùng khu vực hoặc tiểu khu vực.
Vì vậy, các nước có tiềm lực quân sự vừa và lớn phải có trách nhiệm đặc biệt trong việc thúc đẩy các hiệp định kiểm soát vũ khí thông thường ở các địa bàn này. Đại hội đồng Liên hợp quốc cần xem xét khẩn cấp các vấn đề liên quan đến kiểm soát vũ khí thông thường ở cấp tiểu khu vực và khu vực, đồng thời yêu cầu Hội nghị về giải trừ quân bị xem xét định hình các nguyên tắc khuôn khổ đối với các hiệp định khu vực về kiểm soát vũ khí thông thường.
Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh các nỗ lực của cộng đồng quốc tế tiến tới thực hiện ý tưởng giải trừ hòan toàn và toàn bộ vũ khí cần được thúc đẩy bởi khát vọng của con người về hòa bình và an ninh chân chính, giải phóng các nguồn lực kinh tế, tri thức và các nguồn khác vào các mục đích hòa bình.
Nghị quyết về xây dựng lòng tin cấp khu vực và tiểu khu vực kêu gọi các nước tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các hiệp định song phương, khu vực và quốc tế về giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí mà họ đã ký kết. Mục tiêu của các biện pháp xây dựng lòng tin là giúp tăng cường hòa bình và an ninh quốc tế.
Đại hội đồng Liên hợp quốc lo ngại các tranh chấp giữa các nước, đặc biệt trong bối cảnh thiếu cơ chế hiệu quả để giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, có nguy cơ thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế cũng như các nỗ lực kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị. Nghị quyết kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc kiềm chế mọi hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Ủy ban Giải trừ quân bị và an ninh quốc tế cũng thông qua với đa số áp đảo các nghị quyết về thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân; nghị quyết về tác động của việc sử dụng vũ khí và đạn dược có chứa urani đã được làm nghèo, các nghị quyết về an ninh ở khu vực Địa Trung Hải; quan hệ giữa giải trừ quân bị và phát triển; phát triển công nghệ thông tin và viễn thông.
Đồng thời, củng cố hòa bình thông qua các biện pháp thực tiễn giải trừ quân bị, không phổ biến hạt nhân và kiểm soát vũ khí; giáo dục về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí; tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường trong dự thảo và thực hiện các hiệp định giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí; chương trình thông tin giải trừ quân bị của Liên hợp quốc, vai trò của khoa học công nghệ trong bối cảnh an ninh quốc tế và giải trừ quân bị; duy trì an ninh quốc tế - quan hệ láng giềng tốt, ổn định và phát triển ở Đông Nam Âu./.