Liên Hợp quốc xem xét dự thảo nghị quyết hủy bỏ tuyên bố của Mỹ về Jerusalem

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà ngoại giao tại Liên Hợp quốc cho biết, dự thảo nghị quyết mới về Jerusalem do Ai Cập soạn thảo sau quyết định của Mỹ công nhận TP này là thủ đô của Israel sẽ được mang ra bỏ phiếu trong ngày 18/12 tới.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) đang xem xét một dự thảo nghị quyết bác bỏ hiệu lực pháp lý của mọi thay đổi đối với quy chế của Jerusalem, sau quyết định của Mỹ công nhận TP này là thủ đô của Israel.
Các nhà ngoại giao tại LHQ cho biết, dự thảo này do Ai Cập soạn thảo dài 1 trang, có thể được mang ra bỏ phiếu trong ngày 18/12 tới.
Hội đồng Bảo an LHQ đang xem xét một dự thảo nghị quyết bác bỏ hiệu lực pháp lý của mọi thay đổi đối với quy chế của Jerusalem 
Bản dự thảo nhấn mạnh Jerusalem là vấn đề "phải được giải quyết thông qua đàm phán" và "lấy làm tiếc về các quyết định mới đây liên quan đến quy chế của Jerusalem".
Dự thảo nghị quyết không đề cập cụ thể đến quyết định của nước Mỹ nói chung hay cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump nói riêng về Jerusalem.
Dự thảo nghị quyết nêu rõ bất cứ quyết định hoặc hành động làm thay đổi đặc điểm, trạng thái, vị trí và thành phần nhân khẩu học của thành phố Jerusalem đều không có hiệu lực pháp luật, không có giá trị và phải bị hủy bỏ theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ.
Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia không thành lập các phái bộ ngoại giao tại Jerusalem, đồng thời tuân thủ mọi nghị quyết liên quan đến Jerusalem đã được Hội đồng Bảo an thông qua trước đó, cũng như không công nhận bất cứ hành động hoặc biện pháp trái với những nghị quyết này.
Các nhà ngoại giao dự báo Mỹ sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn dự thảo nghị quyết trong khi tất cả, hoặc hầu hết 14 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an sẽ ủng hộ văn bản này.
Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết mới vào đầu tuần tới. Để có thể được thông qua, nghị quyết cần 9 phiếu thuận và không có sự phủ quyết của 5 nước thành viên thường trực Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần