Qua khảo sát của Sở Công Thương Hà Nội, hiện thị trường Hà Nội đang rất cần một lượng lớn nông, lâm, thủy hải sản. Chỉ tính riêng mặt hàng thịt bò, mỗi năm Hà Nội thiếu khoảng 13.000 - 14.000 tấn/năm, thủy sản nước ngọt chỉ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu. Trong thời gian qua, việc liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh tuy đã được xúc tiến song hoạt động liên kết này còn rất lỏng lẻo, mang nặng tính tự phát chưa tạo sự gắn kết thật sự và hỗ trợ lẫn nhau.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết: Fivimart đã thành công đối với việc đưa cam Đà Lạt, nước mắm Thanh Hóa về Hà Nội. Tuy nhiên, do việc liên kết với DN các tỉnh bạn chưa có đơn vị, hay hiệp hội nào đứng ra đảm trách nên DN phải thu mua trực tiếp từ hộ sản xuất, không có hóa đơn, chứng nhận ATVSTP. Chính vì thế, việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Có đến 50% sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là do các nhà đầu tư Hà Nội cung cấp nhưng hoạt động này chủ yếu là do các DN tự tổ chức chưa được quản lý chặt chẽ nên lúc thừa, lúc thiếu. Chính điều này cũng làm cho nguồn cung không ổn định, nguồn hàng nông sản thực phẩm vẫn phải phụ thuộc vào các hộ nông dân. Trong khi đó, các vùng sản xuất, nuôi trồng thủy sản chưa được tiến hành đầu tư đồng bộ nên chưa tạo được sự gắn kết thành chuỗi nuôi trồng, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh đó, trên địa bàn toàn khu kinh tế đồng bằng Bắc Bộ chưa hình thành được chợ đầu mối nông sản thực phẩm. Do vậy, việc tiêu thụ hàng hóa chủ yếu thông qua các chợ, do hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành. Việc thiếu những doanh nghiệp lớn về vốn, năng lực tổ chức nguồn hàng, có hệ thống phân phối lớn… đang khiến hoạt động liên kết trở nên lỏng lẻo.
Cần có những doanh nghiệp đủ mạnh
Để việc liên kết khai thác nguồn hàng cung ứng cho thị trường Hà Nội cũng như giúp DN các tỉnh bạn tiếp cận, tiêu thụ hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng do Hà Nội sản xuất, trong thời gian tới cần có "bàn tay" của nhà quản lý tạo môi trường hợp tác, giao lưu giữa các DN Hà Nội với nhau, giảm thủ tục khi các DN trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ muốn đầu tư trên địa bàn tỉnh bạn.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: Trong quá trình liên kết tiêu thụ hàng hóa 2 chiều thì công tác tổ chức thực hiện phải được coi trọng. Hà Nội phải đóng vai trò đầu mối chính trong việc định hướng liên kết những gì, đến đâu và liên kết như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội chia sẻ: Trong thời gian qua, mặc dù liên kết vùng có nhiều kết quả nhưng lãnh đạo các tỉnh chưa xác định nhóm hàng chủ lực mang tính đột phá, chưa có nhiều cuộc giao lưu giữa các doanh nghiệp. Để chương trình liên kết này thật sự có hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực từ phía các DN, ngành công thương các tỉnh, thành phố phải thực sự "vào cuộc" trong việc xác định thế mạnh của mình cũng như địa phương khác có nhu cầu ra sao, từ đó định hướng cho DN. Nếu làm được điều này, DN Hà Nội cũng như các tỉnh bạn sẽ nắm cụ thể, chắc chắn hơn về tình hình cung cầu thị trường, từ đó đưa ra những ký kết tiêu thụ hàng hóa hai chiều cụ thể.
Bên cạnh việc định hướng cho DN thì cơ quản quản lý cần xây dựng hành lang thị trường, có chính sách tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp đi khai thác thị trường tại các địa phương khác. Như vậy, liên kết mới thực sự hiệu quả.