Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết đào tạo giữa nhà trường - doanh nghiệp: Sự chuyển hướng hiệu quả

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Theo lãnh đạo một số trường cao đẳng (CĐ), học phí, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị góp phần tạo ra “cái kết”: Hơn 90% sinh viên (SV) có việc làm ngay khi ra trường.

Nhưng yếu tố không thể thiếu là sự kết hợp giữa nhà trường và DN.
85 - 90% sinh viên ra trường có việc làm ngay
Thực tế, mô hình nhà trường – DN đã được nhiều trường CĐ thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng dường như vẫn mang tính hình thức. Hay nói cách khác, đó là sự kết hợp không sâu và lợi ích chưa chia đều cho hai phía. Nhìn ra được vấn đề đó, một số trường đã điều chỉnh cách làm cho phù hợp với điều kiện và ngành nghề của trường đào tạo. Vì thế, những năm gần đây, 85 – 90% SV CĐ Thương mại – Du lịch Hà Nội ra trường có việc làm ngay. Đặc biệt, những ngành mũi nhọn của trường như Quản trị khách sạn, Quản trị chế biến món ăn không đủ nhân lực cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn và DN trên địa bàn TP.

Giờ thực hành kỹ thuật ô tô tại trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

“Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật nhu cầu của xã hội và DN. Trường đã ký biên bản thỏa thuận với Hiệp hội DN vừa và nhỏ trong việc tạo điều kiện cho SV đến thực tập cũng như có việc làm với mức lương từ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Và hàng năm đều mời các DN đến đóng góp cho việc xây dựng chương trình đào tạo, đặc biệt là đánh giá SV tốt nghiệp có khả năng tiếp cận công việc đến đâu, những kỹ năng mềm nào còn thiếu” – ông Đàm Văn Hường - Hiệu trưởng trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội cho hay.
Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cũng có đến trên 90% SV có việc làm sau khi tốt nghiệp 6 tháng với mức lương từ 6 – 7 triệu đồng. Số còn lại chưa đi làm vì muốn lựa chọn nơi làm việc gần nhà, môi trường tốt, lương cao; hoặc là tiếp tục học liên thông lên cao. Tương tự, số SV CĐ Điện tử - Điện lạnh có việc làm từ năm thứ 3 chiếm tỷ lệ rất cao chứ không chờ đến khi tốt nghiệp.
Tiếp cận DN từ năm thứ nhất
Vẫn biết các trường CĐ và CĐ nghề luôn phân định chương trình học khoảng 60 – 70% thực hành và chỉ 30 – 40% lý thuyết. Tuy nhiên, hiện nay, trong chương trình đào tạo, ngoài thực tập tốt nghiệp tại DN, SV còn có thêm một kỳ thực tập chuyên ngành. Bà Nguyễn Hằng Nga – Trưởng phòng Đào tạo, trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội thông tin: Ở một số phần thực tập chuyên ngành, SV đã được tiếp cận với những công việc cụ thể tại các DN. Qua đó, nhà trường nhận được sự phản hồi của DN để điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu trong thời kỳ hiện nay.
Tuy nhiên, điều mà nhiều trường CĐ và CĐ nghề gặp trở ngại khi đưa SV đến DN thực tập là đa số các DN vừa trở lên đều sản xuất theo dây chuyền khép kín, SV chưa có tay nghề khó có thể tham gia vào một công đoạn.
Thế nhưng, CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội đã có cách gỡ vấn đề tưởng chừng nan giải này. Ông Dương Thành Hưng – Phó Trưởng khoa Cơ khí cho hay: Đối với nghề hàn, từ cuối năm thứ nhất, chúng tôi cho SV đến DN trải nghiệm thực tế và làm các việc vặt. Đến năm thứ hai, các em đã hình thành trong đầu công việc mình sẽ làm khi đi thực tập. Tất nhiên, khi cho SV đến DN, chúng tôi cử giáo viên đi cùng để uốn nắn, giúp hòa nhập với môi trường sản xuất. Đợt thực tập này, SV sẽ phụ việc cho các bác thợ chính và được một số Giám đốc DN đánh giá cao, thậm chí còn giao khoán việc cho làm. “Kết hợp mô hình nhà trường – DN kiểu này, SV rất hứng thú với công việc. Và nhà trường giảm bớt lãng phí về nguyên vật liệu cho SV thực tập. Tôi nghĩ đây chắc chắn là xu thế đào tạo nghề trong tương lai” - ông Hưng nhận định.
Có một thực tế, nhiều DN ưng tay nghề của SV trường CĐ và CĐ nghề chất lượng cao, nhưng các em có điểm yếu về kỹ năng mềm và khả năng tiếng Anh. Để nâng cao khả năng ngoại ngữ, bên cạnh việc chia nhỏ lớp, có trường điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng lồng ghép kiến thức chuyên ngành để SV cảm thấy gần gũi hơn. Tùy từng ngành đào tạo để trường đưa ra tiêu chí phù hợp. Chẳng hạn, ngành khách sạn, du lịch cần kỹ năng giao tiếp thì trường sẽ chú trọng. Ngoài ra, bổ sung trang thiết bị dạy nghe nói và tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề sử dụng tiếng Anh để SV hào hứng tham gia.