Tại hội thảo, các đại biểu đến từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã nêu lên những đề xuất giải pháp, giới thiệu kinh nghiệm trong kiểm soát thông tin nông sản. Vai trò của việc liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với mục tiêu phát triển bền vững nền sản xuất an toàn…
Gian hàng trưng bày thực phẩm sạch tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang là mối quan tâm lớn của các cơ quan Chính phủ. Trong đó, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm chính trong quản lý ATVSTP ở khâu đầu tiên của chuỗi thực phẩm - sản xuất thực phẩm tươi sống cho tiêu dùng và thực phẩm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều hoạt động như Tuần lễ giới thiệu “Nông sản an toàn” và công bố chương trình “Địa chỉ xanh - Nông sản sạch”. Bộ cũng đã tổ chức cho nhiều trang trại chăn nuôi ở một số địa phương ký cam kết không sử dụng Sanbutamol. Về thanh, kiểm tra ATVSTP, Bộ đã phân cấp cho địa phương quản lý thực phẩm cho thị trường nội địa. Công tác thanh, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, đạt hiểu quả tích cực. Thống kê 3 tháng đầu năm 2016, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 200.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; thu phạt vi phạm số tiền lên tới 19 tỷ đồng. Dù vậy, đánh giá khách quan, thực phẩm bẩn vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Sau thời gian nghiên cứu đề xuất, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại hội thảo, đại biện Bộ NN&PTNT bày tỏ sự đồng tình với việc thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch. Đồng thời kỳ vọng, đây sẽ là tổ chức có vai trò quan trọng trong việc liên kết các nhà sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Qua đó, từng bước nâng cao vị thế nhà sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Quan trọng hơn là góp phần đảm bảo chất lượng vệ sinh, ATTP, nâng cao sức khỏe cho người dân.