Thiết thực, hiệu quả
Chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn là một trong những chuỗi liên kết hiệu quả của Hà Nội. Chuỗi có khoảng 30 thành viên, quy mô chăn nuôi từ 60.000 - 70.000 con/năm. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội và huyện Sóc Sơn trong đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết nên chất lượng sản phẩm được nâng cao rõ rệt, giá bán cao hơn 10% so với trước khi tham gia chuỗi. “Mừng nhất là nông dân không phải đôn đáo bán chạy cho thương lái với giá cả bấp bênh, mà sản phẩm được các công ty ký hợp đồng thu mua ổn định, bày bán tại hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch uy tín” – Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn Nguyễn Văn Đông cho biết.
Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP đã và đang duy trì và phát triển 121 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Bên cạnh đó, TP thí điểm cấp 11 giấy xác nhận cho 11 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 19 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn. Trung bình mỗi ngày, các chuỗi cung cấp cho thị trường 60 tấn thịt lợn, 1 tấn thịt bò, 15 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng và khoảng 80 tấn sữa tươi... Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn phối hợp với 21 tỉnh, TP trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho TP Hà Nội kết nối tiêu thụ, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng. Đến nay, đã xây dựng và phát triển được 543 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 198 chuỗi được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT.Nông dân, doanh nghiệp phải chủ độngMặc dù đã có bước chuyển nhưng việc phát triển chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản trên địa bàn TP vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân là do nông dân chưa coi trọng liên kết sản xuất, còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Đáng nói, khâu sản xuất không theo quy hoạch, chưa theo quy luật thị trường, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Trong khi đó, công tác quảng bá, marketing sản phẩm của các DN còn yếu, dẫn tới việc nhận diện sản phẩm theo chuỗi trên thị trường còn mờ nhạt, sản lượng nông sản an toàn tiêu thụ qua các hệ thống phân phối và kinh doanh chưa nhiều. Chia sẻ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, cả nông dân và DN đều phải chủ động liên kết tìm kênh tiêu thụ nông sản. Thứ nhất, đưa vào sàn nông sản 489 Hoàng Quốc Việt, tại đây sàn sẽ cập nhật thông tin sản phẩm và thông tin của nhà sản xuất, đặc biệt là nhu cầu mong muốn của nhà sản xuất muốn hướng tới đối tượng khách hàng, thị trường nào? Thứ hai, đưa vào các kênh trường học và bếp ăn tập thể, song phải đảm bảo các tiêu chí đảm bảo vệ sinh ATTP, giá thành sản xuất hợp lý.Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, để chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản phát huy hiệu quả, bền vững, chính quyền địa phương cần lựa chọn những DN, hợp tác xã, hộ nông dân đủ điều kiện tham gia chuỗi liên kết và quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP trong quá trình sản xuất. Về phía Sở, sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân không chỉ về khoa học kỹ thuật sản xuất mà còn cả cách thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối DN và nông dân ký kết hợp đồng kinh tế, có điều kiện ràng buộc, bảo đảm quyền lợi giữa hai bên.
Đã đến lúc người nông dân nên bỏ ý nghĩ tham gia liên kết sẽ được Nhà nước cho cái gì, mà cần ý thức nông dân liên kết với DN là để cùng làm ăn, cùng sản xuất và cùng hưởng lợi từ giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản. Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Trần Văn Khởi |