Liên kết để không bỏ rơi nông dân

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho đến tận bây giờ, nhiều hộ nông dân, HTX vẫn cảm thấy đơn độc trên con đường tìm đầu ra cho nông sản an toàn, trong khi các DN phân phối cũng phải dò dẫm một cách thận trọng để tìm nhà cung cấp.

Để giải quyết được khoảng trống ấy, liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và DN là yêu cầu cần thiết.

Lúng túng trước thị trường

Với mong muốn chắp nối mở những nhịp cầu nông sản, ngày 1/7, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức hội thảo tăng cường liên kết giữa cơ sở DN sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm có nguồn gốc và ATTP trên địa bàn TP. Quá mong ngóng những cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa nhà sản xuất và DN phân phối nên bên lề hội thảo luôn sôi nổi những cuộc chuyện trò tìm kiếm đối tác. Cũng tại diễn đàn này, nhiều nông dân đã có dịp bày tỏ những trăn trở của mình xung quanh vấn đề xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho nông sản.
Giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác bên lề hội thảo. Ảnh: Quang Thiện
Giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác bên lề hội thảo. Ảnh: Quang Thiện
Ông Trần Cô Va, một hộ dân chuyên nuôi trồng thủy sản ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên giãi bày, trong quá trình nuôi, gia đình ông luôn quan tâm tới đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thay vì cám công nghiệp, thức ăn cho cá được dùng chủ yếu là ngô, thóc, đậu tương nghiền… Tuy nhiên, cám cảnh là người dân chỉ biết sản xuất ra mà không biết bán cho ai. “Chúng tôi mong muốn các cấp  quan tâm tạo điều kiện để bà con có đầu ra ổn định cho sản phẩm” – ông Va đề nghị.

Không riêng gì thủy sản, nhiều mặt hàng nông sản khác của các HTX trên địa bàn TP cũng đang gặp bế tắc trong quá trình tiếp cận thị trường, nhất là phân khúc siêu thị, nhà hàng cao cấp. Ông Đỗ Hùng Cường – Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Kim An, huyện Thanh Oai cho biết, toàn xã có 100ha trồng cam Canh và 20ha trồng ổi Đài Loan (Trung Quốc). Từ năm 2014, địa phương đã được công nhận nhãn hiệu “Cam đường Kim An”, tuy nhiên sản lượng làm ra mỗi năm khoảng gần 500 tấn song mới đưa vào hệ thống siêu thị Fivimart 20 tấn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bởi vậy, bản thân HTX luôn muốn có cơ hội được gặp gỡ các nhà phân phối để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.

Tăng cơ hội giao thương

Có một thực tế khiến cho đầu ra của nông sản gặp nhiều khó khăn là ngoài nguyên nhân nông dân, HTX thiếu thông tin về thị trường, việc xây dựng nhãn hiệu hay chứng nhận chất lượng cho nông, lâm, thủy sản vẫn còn khá hạn chế. Chính vì vậy, tại diễn đàn hội thảo cũng như các cuộc tiếp xúc bên lề, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khâu liên kết từ sản xuất đến phân phối nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, hệ thống phân phối của công ty luôn ưu tiên đưa các sản phẩm của HTX sản xuất theo quy trình VietGAP.

Trước thực trạng nông dân phàn nàn về sản xuất an toàn nhưng không đưa được vào siêu thị và giá cả không tương xứng với công sức bỏ ra, theo đại diện các DN, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để giảm bớt khâu trung gian. Chỉ trong một buổi ngắn ngủi gặp gỡ, trao đổi, đã có hơn 20 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các DN phân phối nông sản thực phẩm và HTX được ký kết. Đó là thành công mà nhịp cầu xúc tiến thương mại đã mang lại cho cả người sản xuất và kinh doanh.

Đánh giá cao sân chơi bổ ích này, ông Hoàng Văn Dự - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đề nghị cần phải tổ chức thường xuyên hơn nữa những hoạt động gặp gỡ, liên kết giữa người sản xuất và nhà phân phối. Theo ông Dự, đã có tình trạng DN sẵn sàng “bỏ rơi” bà con nông dân trong điều kiện kinh doanh bất lợi hay người sản xuất có thể “lật kèo” khi giá ngoài thị trường cao hơn giá hợp đồng. Chìa khóa để giải quyết những yếu kém này chỉ có thể liên kết. “Có liên kết, nông dân mới tìm nguồn vật tư đầu vào với giá cạnh tranh và chủ động trong dòng chảy giá cả, tránh tình trạng bị ép giá” – ông Dự nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần