Liên kết để phát triển du lịch vùng Tây Bắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải đến dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, người ta mới nhìn ra...

Kinhtedothi - Không phải đến dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, người ta mới nhìn ra tiềm năng du lịch của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, để nơi đây thực sự là điểm đến của nhiều du khách, rất cần mở đường liên kết du lịch với các địa phương và doanh nghiệp du lịch ở trong và ngoài 8 tỉnh vùng Tây Bắc, trong đó có cả Hà Nội.

Tiềm năng

Vùng Tây Bắc được thiên nhiên ưu đãi cho vẻ đẹp hùng vĩ, lại là nơi có cội nguồn văn hóa đa sắc màu các dân tộc Việt Nam với những tín ngưỡng, truyền thống, nghệ thuật, ẩm thực, làng nghề hấp dẫn. Đặc biệt, hình ảnh Tây Bắc luôn gắn với các giá trị về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, ghi dấu những chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu với quần thể di tích Điện Biên Phủ. Đó là thế mạnh để phát triển du lịch, song năm 2013 khách quốc tế đến Tây Bắc chỉ đạt 1,23 triệu lượt, khách nội địa trên 6,5 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt trên 7.200 tỷ đồng.

 
Du khách thăm bản Cát Cát,  Sapa. Ảnh: Văn Phúc
Du khách thăm bản Cát Cát, Sapa. Ảnh: Văn Phúc
Tại hội nghị về liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc diễn ra tại TP Điện Biên Phủ mới đây, nhiều giải pháp được các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch đưa ra. Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tập trung phát triển sản phẩm du lịch xanh dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc gắn với danh lam thắng cảnh và giá trị môi trường sinh thái đa dạng. Đó là du lịch nghỉ dưỡng núi gắn với tìm hiểu văn hóa vùng cao Sapa, Mộc Châu, Ba Bể, Na Hang, hồ sông Đà... Đó là du lịch sinh thái và khám phá cảnh quan của nóc nhà Đông Dương Phanxipan, vườn quốc gia Hoàng Liên, cao nguyên đá Đồng Văn, thác Bản Giốc... Đó là du lịch văn hóa lịch sử gắn với các di tích Điện Biên Phủ, Đền Hùng, Tân Trào, ATK Định Hóa, Pắc Pó... Là du lịch về nguồn, tâm linh gắn với Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương, lễ hội, ẩm thực và chợ phiên vùng cao; Là du lịch mua sắm gắn với cửa khẩu của các tỉnh.

Là người có kinh nghiệm quản lý du lịch, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhấn mạnh: Để làm điểm nhấn thu hút du khách, mỗi tỉnh cần xây dựng cho riêng mình sản phẩm du lịch độc đáo, không trùng lắp. Chẳng hạn, Lào Cai đầu tư vào xây dựng sản phẩm Sapa; Hà Giang chọn cao nguyên đá Đồng Văn; Yên Bái là Mù Cang Chải và Thác Bà; Điện Biên là di tích lịch sử; Lai Châu là văn hóa dân tộc; Phú Thọ là Đền Hùng... Đối với những điểm du lịch giống nhau như ruộng bậc thang, văn hóa Thái, Mông, Dao… cũng phải tìm ra nét khác nhau để hấp dẫn du khách.

Liên kết cùng có lợi

Một yếu tố quan trọng để thu hút du khách đến và có thời gian lưu trú lâu chính là liên kết quảng bá và xây dựng tour, tuyến du lịch. Hoạt động liên kết không chỉ diễn ra giữa các địa phương và doanh nghiệp du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mà phải vươn ra các tỉnh khác thậm chí tới nước ngoài. Để tránh rơi vào tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” như thời gian qua, ông Hà Văn Siêu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đưa ra nguyên tắc chung khi thực hiện, đó là chấp hành - tự nguyện - đồng thuận - bình đẳng - cùng có lợi - chia sẻ. Nội dung liên kết bao gồm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng Tây Bắc như du lịch nghỉ dưỡng núi ở Sapa, Mẫu Sơn, Mộc Châu, Sìn Hồ; du lịch sinh thái, khám phá tại Đồng Văn, Phanxipan, Bản Giốc, Ba Bể, Thác Bà; du lịch văn hóa dân tộc, lễ hội vùng cao; du lịch về nguồn, tâm linh ở Phú Thọ, Yên Bái; du lịch văn hóa lịch sử tại Điện Biên, Sơn La… Cùng với đó là liên kết xúc tiến quảng bá sản phẩm đặc trưng vùng Tây Bắc, thương hiệu du lịch của 8 tỉnh; liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch để tạo thuận lợi di chuyển lao động giữa các địa phương đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực; liên kết chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý.

Vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý là chất lượng nguồn nhân lực - đây là điểm yếu trong hoạt động du lịch vùng Tây Bắc. Bởi thế, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTT&DL đưa ra 4 giải pháp cơ bản tăng cường liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng Tây Bắc ở giai đoạn hiện nay. Trong đó, tăng cường liên kết với các chủ thể trong và ngoài vùng để nâng cao dần khả năng đáp ứng tại chỗ về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực du lịch của vùng và từng địa phương. Đặc biệt chú trọng liên kết để đào tạo chất lượng cao đảm bảo phục vụ nhu cầu ngày càng cao cho ngành.