Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết đưa trái cây miền Nam về Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường tiêu thụ trái cây của Hà Nội hiện rất lớn, nhưng yêu cầu về chất lượng ATTP cũng khá cao.

Do đó, tại buổi làm việc giữa Sở NN&PTNT Hà Nội và Sở NN&PTNT 2 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long ngày 9/11, đại diện các địa phương đều nhất trí quan điểm cần có cơ chế liên kết sâu bằng các chuỗi giá trị sản phẩm.

Thiếu đầu ra bền vững

Tiền Giang và Vĩnh Long được coi là những "vựa trái cây" lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều loại trái cây đặc sản cung cấp cho thị trường cả nước cũng như xuất khẩu. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Tiền Giang, cây ăn quả là thế mạnh nhất trong ngành trồng trọt của tỉnh với diện tích gần 73.000ha, trong đó vùng trồng xoài cát Hòa Cát 3.100ha ở Cái Bè, vú sữa Lò Rèn 2.600ha, sầu riêng Ngũ Hiệp 8.200ha, dứa 15.600ha, thanh long 4.000ha… Sản lượng trái cây hàng năm của tỉnh đạt trên 1,2 triệu tấn. Đáng chú ý, Tiền Giang là tỉnh đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long có mô hình đạt chuẩn GlobalGAP với sản phẩm vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành).
Trái cây của Tiền Giang được giới thiệu với người tiêu dùng Hà Nội. 	Ảnh: THẮNG VĂN
Trái cây của Tiền Giang được giới thiệu với người tiêu dùng Hà Nội. Ảnh: THẮNG VĂN
Tại Vĩnh Long, diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh hiện đạt hơn 40.800ha, sản lượng trên 400.000 tấn, trong đó những cây trồng chủ lực là bưởi Năm Roi, Cam sành, Chôm chôm, Nhãn. Riêng vùng bưởi Năm Roi có diện tích hơn 2.000ha ở thị xã Bình Minh đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng với trái cây, Vĩnh Long còn có vùng chuyên canh khoai lang diện tích 5.500ha tập trung tại huyện Bình Tân, nổi tiếng cả nước về chất lượng, năng suất với nhiều giống khoai như trắng sữa, bí nghệ, bí đường, tím Nhật…

Điều đáng nói, dù có nhiều thế mạnh, song đầu ra về trái cây nói riêng và nông sản nói chung của các địa phương chưa thực sự ổn định, phụ thuộc vào thương lái, nhất là thương lái Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long chia sẻ, khó khăn lớn nhất mà nông dân đã và đang phải đối mặt là thiếu bền vững trong khâu tiêu thụ. Nông sản làm ra bán chủ yếu qua hệ thống thương lái với giá cả bấp bênh, mẫu mã không đồng nhất, sản phẩm tiêu thụ theo kiểu mạnh ai nấy làm…

Phối hợp truy xuất nguồn gốc

Hiện nay, sản xuất tại chỗ trên địa bàn Hà Nội mới đáp ứng được 55% nhu cầu rau củ tươi và 17% quả tươi. Trên thực tế, trái cây miền Nam được vận chuyển về tiêu thụ tại các chợ đầu mối của Hà Nội khá lớn. Tuy nhiên, với mục đích tìm nguồn cung cấp trái cây đảm bảo ATTP cho Thủ đô, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn DN đi khảo sát và ký kết hợp tác tiêu thụ trái cây với các DN, HTX tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch Biggreen cho biết, sau hoạt động này, sản lượng trái cây an toàn đưa về tiêu thụ tại hệ thống của công ty đã tăng cao. Hiện nay, mỗi ngày công ty tiêu thụ bình quân 2 tấn trái cây, trong đó 60% lấy từ Tiền Giang.

Mặc dù bước đầu đã có sự liên kết, song nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường Hà Nội vẫn rất lớn. Tại buổi làm việc, đại diện một số DN phân phối của Hà Nội bày tỏ mong muốn tiếp tục được hợp tác với hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long nhằm tăng cường nguồn cung trái cây sạch cho Thủ đô. Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Sở NN&PTNT Tiền Giang cho rằng, thời gian tới, việc hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh cần bàn sâu hơn đến chuỗi giá trị, phân khúc rõ thị trường, chủng loại sản phẩm và có cơ chế tài chính lành mạnh. Theo đó, cần có sự tiếp sức của phía ngân hàng để đảm bảo việc hợp tác giữa các DN được thuận lợi hơn. Đặc biệt, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để kiểm soát chất lượng sản phẩm khi đưa về Hà Nội tiêu thụ. Ông Nguyễn Mậu Hải – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho rằng, các tỉnh phải giám sát chặt khâu sản xuất ban đầu, sơ chế, bảo quản, còn phía Hà Nội kiểm soát đầu ra, lấy mẫu giám sát chất lượng. Bất kỳ cơ sở sản xuất nào của các tỉnh khi xuất sản phẩm về Hà Nội đều phải được chứng nhận chất lượng ATTP, có hồ sơ rõ ràng để có thể truy xuất nguồn gốc và xử lý nếu sản phẩm không an toàn.