Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết tạo bản sắc du lịch riêng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ thành công của mô hình liên kết du lịch tại 3 địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng ...

Kinhtedothi - Từ thành công của mô hình liên kết du lịch tại 3 địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam thời gian qua, lãnh đạo ngành du lịch 4 tỉnh, TP: Lào Cai, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình đã quyết định “bắt tay” để cùng phát triển ngành “công nghiệp không khói”.

Hiệu ứng của những “cái bắt tay”

Mô hình liên kết du lịch của 3 địa phương: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam gần 10 năm qua không chỉ giúp khai thác thế mạnh mà còn góp phần cải thiện môi trường và tăng khả năng cạnh tranh của ngành. Sau thời gian “bắt tay”, 3 địa phương không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn mà khách du lịch có sự tương tác thuận lợi và ngày càng tăng trưởng. Nếu như trước đây, khách đi lại giữa 3 tỉnh, TP chỉ chiếm khoảng 15%, thì từ khi liên kết, con số này đạt trên 30%. Điều đó cho thấy những “cái bắt tay” chính là móc xích quan trọng, xu hướng tất yếu để phát triển du lịch theo vùng. Bởi lẽ sự liên kết sẽ khắc phục được khó khăn về mặt giao thông, kinh phí quảng bá, xúc tiến, tổ chức các sự kiện du lịch…
Du khách quốc tế thăm đền Ngọc Sơn.  	Ảnh:  Nguyễn Đức
Du khách quốc tế thăm đền Ngọc Sơn. Ảnh: Nguyễn Đức
Nhận ra hiệu ứng từ mô hình liên kết của Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, lãnh đạo ngành du lịch 4 địa phương là Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Lào Cai đã quyết định “bắt tay” để tạo “đòn bẩy” mới cho ngành “công nghiệp không khói”. Bởi lẽ, cả 4 địa phương này không chỉ được biết đến là hành lang kinh tế nổi bật của phía Bắc, mà còn hội tụ đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Sự đa dạng về cảnh quan, nét đặc trưng trong văn hóa và thuận tiện trong kết nối giao thông là những thế mạnh mà các tỉnh, TP có thể liên kết với nhau tạo nên những trải nghiệm độc đáo cho du khách trong và ngoài nước. Những năm qua, 4 địa phương đã có nhiều động thái nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Song, các hoạt động này còn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu, chưa hình thành được cơ chế hợp tác, khiến hiệu quả chưa cao.

Sẽ có nhiều tour đặc sắc

Vẫn biết những “cái bắt tay” sẽ tạo ra nhiều lợi thế để phát triển tour tuyến du dịch, sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch…, nhưng muốn hiện thực hóa quyết định này, cả 4 địa phương còn rất nhiều việc phải làm. Về cơ chế chính sách, ông Hà Quốc Trung - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VHTT&DL Lào Cai cho rằng: “Tới đây, các tỉnh, TP phải cùng nghiên cứu hình thành Nhóm hợp tác phát triển du lịch tuyến Hà Nội - Quảng Ninh – Ninh Bình – Lào Cai để có bộ máy quản lý, điều hành các hoạt động hợp tác lâu dài mang tính ổn định và thường xuyên. Tổ chức ký kết Biên bản hợp tác phát triển du lịch giữa 4 địa phương nhằm thống nhất nguyên tắc hợp tác, xác định những nội dung hợp tác chính và quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, TP thành viên”.

Bên cạnh đó, phải tiến hành xây dựng các tour, sản phẩm du lịch đặc trưng của 4 địa phương như: “Tour du lịch văn hóa” - kết nối các điểm du lịch mang đặc trưng văn hóa tiêu biểu gồm văn hóa biển (Quảng Ninh), văn hóa bán sơn địa (Ninh Bình), văn hóa ngàn năm văn hiến (Hà Nội), và văn hóa các dân tộc thiểu số vùng cao (Lào Cai); “Tour du lịch tâm linh” - kết nối hệ thống các di tích đền, chùa tiêu biểu gồm đền Thượng, đền Mẫu (Lào Cai), đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh (Hà Nội), đền Cửa Ông, chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính, chùa Bích Động (Ninh Bình); “Tour du lịch lịch sử” - kết nối các di tích lịch sử tiêu biểu phục vụ đối tượng khách nội địa, đặc biệt là học sinh, sinh viên gồm các di tích lịch sử gắn với cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước tại vùng biên ải (Lào Cai), gắn với sự hình thành và phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến (Hà Nội), gắn với triều đại nhà Trần (Quảng Ninh), gắn với cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)… Trên cơ sở các tour du lịch và chương trình được hình thành, các địa phương sẽ đầu tư nâng cấp các điểm, sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng của địa phương nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Cùng với đó, để thu hút khách đến với tuyến du lịch mới này, giới chuyên môn cho rằng, công tác xúc tiến và quảng bá cũng phải được chú trọng. Các tỉnh có thể xây dựng website chung của Nhóm hợp tác; liên kết các trang Thông tin điện tử về du lịch của từng địa phương; phối hợp mời và đón các đoàn Media Trip và Famtrip đến khảo sát và xúc tiến các điểm đến; phối hợp tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư… Qua đó, giới thiệu hình ảnh miền đất, con người, những nét văn hóa đặc sắc và các điểm đến, các tour du lịch hấp dẫn, hệ thống nhà hàng, khách sạn, địa chỉ ẩm thực, sản phẩm của các làng nghề truyền thống… tiêu biểu của 4 địa phương. Từ đó, thu hút các nhà đầu tư và du khách.

Tin rằng những “cái bắt tay” cùng sự đồng thuận của 4 địa phương, tuyến du lịch Lào Cai – Hà Nội – Quảng Ninh – Ninh Bình sẽ sớm tạo được tiếng vang, đáp ứng kỳ vọng của du khách trong và ngoài nước.