Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết thiếu bền chặt trong chuỗi sản xuất, phân phối rau an toàn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù ngành nông nghiệp Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển, mở rộng các vùng sản xuất rau an toàn (RAT), song khâu phân phối và kiểm soát chất lượng rau, nhất là tại các chợ vẫn còn nhiều hạn chế.

Mạnh ai nấy lo

 

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) vừa tiến hành khảo sát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm rau tại 5 chợ bán buôn của Hà Nội là Long Biên, Vân Nội (Đông Anh), Dịch Vọng Hậu, Đền Lừ, Hôm - Đức Viên. Kết quả cho thấy, tại các chợ chưa có hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên về chất lượng rau. Trong khi đó, nhận thức của cả người bán và người mua còn hạn chế. Theo khảo sát tại các chợ, khoảng 73% số người bán buôn rau không phân biệt được RAT nếu không có các hỗ trợ kỹ thuật, tỷ lệ này ở người mua lên tới 95%.

 

Ông Trần Công Thắng - chuyên gia của IPSARD cho biết, tỷ lệ RAT được cung ứng tại các chợ bán buôn còn hạn chế do kinh doanh mặt hàng này không có lãi, chi phí sản xuất cao nhưng đầu ra không ổn định. Theo ước tính, tại các chợ Long Biên, Hôm - Đức Viên, Dịch Vọng Hậu, lượng RAT cung ứng chỉ dưới 10%. "Sở dĩ việc đảm bảo ATTP cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau tại các chợ bán buôn gặp khó khăn do người sản xuất gần như tách rời hoạt động buôn bán tại chợ và rau bán chủ yếu không thông qua hợp đồng" - ông Thắng chia sẻ.

 
SẢn xuất rau an toàn tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm.
Sản xuất rau an toàn tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm.
 

 Mặc dù từ cuối năm 2011, Hà Nội đã triển khai thí điểm dán nhãn tem RAT đối với một số sản phẩm nhưng thực tế việc phân phối, tiêu thụ vẫn còn nhiều bất cập. Ông Chử Đức Nhị - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm) chia sẻ, do đa phần người dân thu hoạch rau lúc chiều muộn kéo theo việc dán nhãn rất muộn nên một số chủ hàng xếp thẳng rau vào xe không qua đóng bao túi. Khi vào các chợ bán buôn, RAT có dán nhãn chưa được tạo điều kiện hơn so với rau không dán nhãn do thiếu cơ chế phối hợp giữa người sản xuất với các Ban Quản lý chợ.

 

Gắn quyền lợi với trách nhiệm

 

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, đến nay, tổng diện tích RAT của toàn TP đạt trên 3.800ha, tập trung chủ yếu tại các vùng chuyên canh rau như Văn Đức (Gia Lâm), Thanh Đa (Phúc Thọ), Vân Nội (Đông Anh), Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì)... Tuy nhiên, mạng lưới tiêu thụ RAT phát triển chậm, các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế nên phần lớn sản phẩm sản xuất ra vẫn do người dân tự tiêu thụ. Hơn nữa, có khoảng 40% lượng rau tiêu thụ tại Hà Nội là từ các tỉnh khác đưa về nhưng việc kiểm soát chất lượng vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, việc xây dựng chuỗi liên kết bền chặt từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm RAT là yêu cầu cần thiết để đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng.

 

Bà Lê Thị Hồng - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, trong chuỗi sản xuất, cung ứng RAT phải xác định rõ trách nhiệm cũng như lợi ích giữa người sản xuất, phân phối và các chợ bán buôn, đảm bảo các bên cùng có lợi. Hơn nữa, cần siết chặt kiểm soát đối với mặt hàng rau không có tem nhãn tại các chợ đầu mối, đảm bảo yêu cầu phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, đối với khâu sản xuất, để đảm bảo chất lượng RAT cần quan tâm đến các yếu tố như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công tác khuyến nông, khuyến khích người nông dân thực hiện các chứng chỉ sản xuất an toàn.

 

Hiện nay, quy mô sản xuất RAT của Hà Nội còn nhỏ lẻ, chỉ đạt trung bình 720m2/hộ, trong khi chi phí chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP khá cao. Do đó, theo bà Nguyễn Thị Hà - cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), các địa phương có thể áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia (PGS) vào sản xuất rau. Thực tế triển khai tại mô hình PGS với rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn 3 - 4 lần so với cấy lúa, song mức chi phí chứng nhận chỉ khoảng 250.000 - 350.000 hộ/năm.