Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên minh châu Âu và những nguy cơ mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trước khi Bồ Đào Nha chính thức lên tiếng xin Liên minh châu Âu (EU) cứu trợ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu Daniel Gros đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ mang tính hệ thống của khu vực này.

KTĐT - Trước khi Bồ Đào Nha chính thức lên tiếng xin Liên minh châu Âu (EU) cứu trợ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu Daniel Gros đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ mang tính hệ thống của khu vực này.

Ông cho rằng, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước EU đã quá tự mãn khi thấy thiệt hại của mình không thấm vào đâu so với kinh tế Mỹ. Chỉ đến khi hệ thống ngân hàng tại một số nước sụp đổ, EU mới bừng tỉnh và nhận ra nguy cơ vỡ nợ quốc gia là hoàn toàn có thật. Ngay cả khi đã tung tiền cứu trợ Hy Lạp, nhìn thấy "mầm bệnh" tại Ireland, Bồ Đào Nha,... và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, EU vẫn không thể làm gì khác ngoài việc tiếp nhận "lời kêu cứu" thứ ba từ Lisbon.

Ngày 12/4, tại Lisbon, phái đoàn chuyên gia của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bắt đầu tiến hành đàm phán với các quan chức Bồ Đào Nha về gói cứu trợ tài chính nhằm giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên EU đã đề xuất gói cứu trợ trị giá 80 tỷ Euro (tương đương 116 tỷ USD) dành cho Bồ Đào Nha trong 3 năm.


Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những biện pháp của EU và IMF cũng không thể giúp Bồ Đào Nha thoát khỏi tình cảnh khốn khó hiện nay, bởi số tiền nhận được chỉ đủ để giải quyết khó khăn trước mắt chứ không giải quyết tận gốc vấn đề của nước này. Đặc biệt, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với mức lãi 4 - 5% mà Lisbon phải trả cho EU và IMF, tốc độ tăng trưởng trung bình của Bồ Đào Nha ít nhất phải là 5%/năm mới hy vọng thu hẹp thâm hụt ngân sách xuống mức quy định chung 3% GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). 


Vấn đề Bồ Đào Nha càng khẳng định dự báo về hiệu ứng domino của các chuyên gia là chính xác và buộc EU phải đối mặt với nhiều nguy cơ mới, trong đó có việc Tây Ban Nha nhiều khả năng sẽ nối bước nước láng giềng để xin cứu trợ. Về trung hạn, kinh tế Tây Ban Nha vẫn còn nhiều nguy cơ do tăng trưởng kinh tế của nước này sụt giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20,33% trong cuối năm 2010. Theo Wall Street Journal, chi phí để cứu Tây Ban Nha sẽ vượt quá tổng các khoản cứu trợ của EU trước đây và thách thức tổng lực tài chính của khu vực này. Nếu Tây Ban Nha sụp đổ, nó sẽ gây một sức ép khổng lồ lên phần còn lại của châu lục.


Hiện, ngoài khoản cứu trợ sắp phải cung cấp cho Bồ Đào Nha, EU còn đang phải đối mặt với những khó khăn khác đến từ Ireland và Hy Lạp.