Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

LienVietPostBank: Chiến lược nâng tầm Ví Việt

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong không nhiều ngân hàng Việt dám tự nghiên cứu, xây dựng sản phẩm ví điện tử của riêng mình, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã cho ra đời và phát triển Ví Việt với hơn 2 triệu người dùng sau gần 2 năm ra mắt.

“Tay ngang” trong lĩnh vực công nghệ nhưng LienVietPostBank đang từng bước hiện thực hóa tham vọng phát triển Ví Việt không chỉ là một ví điện tử dùng để thanh toán thông thường mà còn là một ngân hàng số có thể gửi tiền, chuyển tiền, vay tiền và cả quản lý tài sản…
 Khách hàng trải nghiệm dịch vụ của Ví Việt. Ảnh: Hà Lâm
“Tay ngang” công nghệ phát triển ví ngân hàng

Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Tân Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, trên thị trường hiện nay có hai loại ví. Thứ nhất là ví điện tử của các cổng thanh toán, chỉ có thể dùng để thanh toán mà không thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng như huy động, cho vay. Loại thứ hai là ví của ngân hàng, có thể sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng như Ví Việt.

Với mục tiêu phát triển không chỉ là một ví điện tử thông thường mà còn là một ngân hàng số, có thể gửi tiền, rút tiền, thanh toán, thậm chí vay mượn…, LienVietPostBank đã nghiên cứu và xây dựng thành công sản phẩm Ví Việt. Tháng 8/2016, Ví Việt được Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai kinh doanh dịch vụ.
Theo đó, không chỉ dễ dàng thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, trả tiền hàng hóa, dịch vụ, nạp tiền điện thoại…, người dùng còn có thể chuyển tiền, nhận tiền, nạp tiền, thậm chí rút tiền và tương lai có thể vay tín chấp. Tháng 1/2018, thông qua Ví Việt, khách hàng đã có thể thực hiện các dịch vụ ngân hàng online như gửi tiền tiết kiệm, truy vấn, sao kê tài khoản, tất toán sổ tiết kiệm, vay tiêu dùng cá nhân và nhiều dịch vụ tiện ích khác của ngân hàng.

Ra đời giữa bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, việc một ngân hàng không có nhiều lợi thế về công nghệ tự lập ra Công ty CP Phát triển Công nghệ Liên Việt và đầu tư phát triển sản phẩm Ví Việt của riêng mình khiến thị trường không ít băn khoăn.
“Ví điện tử sống được hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Sản phẩm có tốt không, hệ sinh thái có đa dạng hay không. Xây dựng sản phẩm thường rất lâu, nhưng mất đi có thể chỉ trong một tuần” - ông Thắng cho hay.

Hiểu được điều đó nên ngoài việc xây dựng Ví Việt như một ngân hàng số thì xây dựng một hệ sinh thái đủ mạnh cho Ví Việt là cách mà LienVietPostBank tạo dựng thương hiệu và lòng tin với khách hàng. Hệ sinh thái đó là việc tăng các điểm chấp nhận thanh toán, tăng kết nối với các đơn vị sản xuất - kinh doanh, bán lẻ…

Với chiến lược này, sau chưa đầy 2 năm triển khai dịch vụ, Ví Việt đã kết nối thanh toán với nhiều đối tác chiến lược: Điện lực, cấp nước, các công ty Viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone, Vietnamobile…), đại lý bán vé máy bay, xe khách, nhà hàng, khách sạn, chung cư, trường đại học, công ty bảo hiểm, cho vay tài chính... với trên 200 dịch vụ thanh toán online và nhiều dịch vụ tiện ích khác.

Chiếm lĩnh thị phần nhỏ lẻ

Tính đến cuối năm 2017, Ví Việt đã cán mốc trên 2 triệu người dùng và gần 16.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc. Năm 2018, LienVietPostBank đặt kế hoạch phát triển Ví Việt đạt 3,5 triệu người dùng và 30.000 điểm chấp nhận thanh toán Ví Việt; xây dựng Ví Việt từng bước trở thành ngân hàng số (Digital Banking) của LienVietPostBank.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng này, việc đặt mục tiêu tăng số lượng người dùng Ví Việt hoàn toàn không phải để thu phí. Hiện, LienVietPostBank đang miễn phí hoàn toàn với sản phẩm này.
“Chúng tôi hiểu rõ rằng, ngân hàng nào thu hút được nhiều khách hàng nhỏ lẻ nhất, chiếm lĩnh thị trường huy động và cho vay nhỏ lẻ cao nhất, ngân hàng đó sẽ chiếm vị trí bán lẻ số 1. Ví Việt đang là “vũ khí” để chúng tôi chiếm lĩnh thị phần nhỏ lẻ này, hiện thực hóa mục tiêu biến LienVietPostbank thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Nếu có 2 - 3 triệu người dùng thì dù mỗi người dùng chỉ bỏ ra một số phí rất nhỏ khoảng 1.000 - 2.000 đồng/tháng, số tiền ngân hàng thu về đã có 2 - 3 triệu USD”- ông Thắng tính toán. Đồng thời cho rằng, trong tương lai, khi người dùng cảm thấy thực sự hài lòng, ngân hàng mới tính đến việc thu phí. Việc thu phí nếu có cũng chỉ ở mức rất nhỏ, khoảng 1.000 đồng/tháng. Còn nếu người dùng chưa hài lòng, ngân hàng chắc chắn sẽ chưa thu phí.