Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liệu có "đánh trống bỏ dùi"?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 20/1, Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (TAĐP) sẽ có hiệu lực.

 
Nếu chiểu theo Thông tư này, hàng chục ngàn cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện sẽ bị "xóa sổ", song, nhiều người lo ngại, quy định này sẽ khó khả thi.
 
Ngoài tầm kiểm soát           

Chưa nói đến những quán ăn vỉa hè, khi đặt chân đến kiểm tra nhà hàng, siêu thị, cơ sở sản xuất thực phẩm lớn, các đoàn kiểm tra đều phát hiện vi phạm. Với những quán ăn vỉa hè, việc kiểm soát không đơn giản. Riêng tại Hà Nội, có hơn 47.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó loại hình dịch vụ ăn uống đường phố có hơn 26.000 cơ sở, nhưng số được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP mới hơn 15.000 cơ sở. Cả nước, trong năm 2012, các đoàn đã kiểm tra được 563.171 cơ sở, trong đó có đến 119.489 cơ sở vi phạm ATTP.

Liệu có "đánh trống bỏ dùi"? - Ảnh 1

Quán bia hơi trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Phạm Hùng

Thực tế, tình trạng mất ATVSTP đối với mặt hàng TAĐP ở Hà Nội cũng như các địa phương khác lâu nay đã là chuyện "thường ngày ở huyện". Tại nhiều nơi, thức ăn (dù sống hay chín) được bày bán tràn lan trên vỉa hè, bến xe, cổng trường học, nơi đông người qua lại, thậm chí ngay trên miệng cống hay bên cạnh mương thoát nước thải… Nhưng hết thảy đều đang nằm ngoài tầm kiểm soát, quản lý về ATTP của cơ quan chức năng.

Khó khả thi

Cũng như Luật ATTP, Thông tư 30 phân cấp cho chính quyền địa phương ở xã, phường trực tiếp quản lý TAĐP. Đây là hành lang pháp lý cơ bản để tiến tới TAĐP phải đảm bảo an toàn, đảm bảo sức khỏe của người dân và chỉnh trang bộ mặt đô thị.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế

Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định rõ, điều kiện đảm bảo ATTP đối với kinh doanh TAĐP là phải thiết kế khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống đảm bảo vệ sinh, phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại. Bên cạnh đó, cơ sở phải có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60cm. Đặc biệt, một nội dung không thế thiếu, người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng một lần. Các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ…

Tất cả các cửa hàng kinh doanh ăn uống sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định bắt đầu từ ngày 20/1 này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi hỏi nhiều người kinh doanh, đa phần họ đều có chung câu trả lời: "Không biết, cứ bán thôi!". Một cán bộ quản lý thị trường Hà Nội cho rằng: "Khi cái gốc của vấn đề là ATVSTP từ nơi sản xuất chúng ta không làm được mà cứ siết phần ngọn thì chắc chắn sẽ khó". Tuần qua, trong buổi giám sát ATVSTP tại huyện Thanh Trì của Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP, lãnh đạo địa phương này cũng phàn nàn khó "siết" theo quy định.

Về phía chuyên gia y tế, ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế khẳng định, những quy định đưa ra là cần thiết để quản lý và chấn chỉnh tình trạng kinh doanh TAĐP. Tuy nhiên, phải có giải pháp để hướng dẫn và hỗ trợ người kinh doanh thực hiện, không nên chỉ ra quy định rồi bỏ ngỏ. Việc này đòi hỏi Bộ Y tế phải có sự phối hợp chặt chẽ với các UBND, chính quyền địa phương để thực hiện có hiệu quả, tránh "đánh trống bỏ dùi".