Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liệu có “đói sóng”, nghẽn mạng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các nhà mạng khuyến cáo khách hàng thực hiện chống nghẽn mạng bằng cách sử dụng linh hoạt, hài hòa các hình thức liên lạc bằng điện thoại di động, điện thoại cố định, email hoặc điện thoại qua Internet để tránh “đứt đoạn” lời chúc đầu năm.

KTĐT - Các nhà mạng khuyến cáo khách hàng thực hiện chống nghẽn mạng bằng cách sử dụng linh hoạt, hài hòa các hình thức liên lạc bằng điện thoại di động, điện thoại cố định, email hoặc điện thoại qua Internet để tránh “đứt đoạn” lời chúc đầu năm.

Mỗi nhà mạng có thể đáp ứng tới 200-400% nhu cầu gọi điện, nhắn tin so với ngày thường. Hàng chục xe “cấp cứu” chống nghẽn sóng sẵn sàng ứng phó tại các tụ điểm tập trung đông người vào giờ cao điểm. 
 
Nhiều phương án được các nhà mạng đưa vào thực thi liệu có giải quyết được “cơn khát” của hàng triệu “thượng đế” trong Tết Canh Dần?
 
Hàng chục xe sẵn sàng “cấp cứu”... sóng
 
Đại diện nhà mạng Vinaphone cho biết đã hoàn tất công tác nâng cấp, mở rộng mạng lưới, hạ tầng, bổ sung các trạm thu phát sóng BTS, bảo dưỡng tổng đài nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ thông tin di động tăng đột biến trong dịp Tết Canh Dần.

Vẫn theo đại diện của Vinaphone tới nay, VinaPhone có 17.000 trạm BTS, phủ sóng trên toàn quốc cộng thêm 5.000 trạm BTS 3G. Số trạm 3G mới sẽ bổ sung, “chia lửa” dung lượng cho mạng 2G. Với năng lực hiện tại VinaPhone có thể đáp ứng được 200%-300% nhu cầu sử dụng các dịch vụ thông tin di động hàng ngày. Hệ thống tổng đài cũng được nâng cấp sẵn sàng đáp ứng cho khoảng 50 triệu thuê bao đang hoạt động. Hệ thống nhắn tin của VinaPhone với tốc độ chuyển tải 20 – 30 triệu SMS/giờ, được đánh giá có dung lượng lớn nhất trong các nhà mạng. Hiện nay, VinaPhone có hơn 27 triệu thuê bao thực đang hoạt động.

Để khắc phục tình trạng nghẽn mạng cục bộ do tập trung đông người, VinaPhone đã chuẩn bị 30 xe phát sóng lưu động tại những điểm có khả năng gây nghẽn lúc giao thừa như bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), quận I (TPHCM), các điểm bắn pháo hoa.... Nhân viên VinaPhone trực 24/24h trong ngày Tết nhằm đảm bảo thông suốt thông tin. Cùng đó, các hãng đối tác như Motorola, Ericsson đã đưa chuyên gia sang cùng trực, giám sát hệ thống với VinaPhone. Với việc đầu tư hàng triệu USD, Vinaphone hy vọng khách hàng của mình không phải lâm vào tình trạng “đói sóng”, nghẽn mạng trong dịp Tết này.

Qua trao đổi, ông Tào Đức Thắng – Phó Giám đốc Viettel Telecom cho biết, năm qua Viettel cũng không ngừng lắp đặt thêm các trạm BTS mới trong nước, đồng thời tăng dung lượng kết nối quốc tế để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần. Đến nay, Viettel Telecom có thêm 8.000 trạm BTS, nâng tổng số trạm 2G lên 21.000, 90% số xã trên cả nước đã có trạm BTS. Dự kiến, từ nay đến trước Tết Nguyên đán sẽ có tối thiểu 7.000 đến 8.000 trạm 3G được lắp đặt hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu dùng 3G ngày càng tăng, chia sẻ được khoảng 10% lưu lượng cho 2G. Cũng như Vinaphone, với những khu vực dự báo có thể xảy ra nghẽn mạng cục bộ Viettel đã chuẩn bị sẵn sàng 40 xe phát sóng lưu động thường trực. Với khách hàng gọi đường dài đi quốc tế, Viettel đã tăng thêm 30% dung lượng kết nối đáp ứng nhu cầu gọi điện thoại hỏi thăm người thân ở xa Tổ quốc. Năm nay, Viettel mua 45 tổng đài tương đương dung lượng dành cho 20 triệu thuê bao. Dịch vụ nhắn tin dự kiến tăng gấp 6 lần vào thời điểm giao thừa cũng sẽ được đáp ứng đầy đủ.

Đại diện hãng viễn thông MobiFone, ông Đinh Việt Hưng -  Trưởng phòng Giá cước Tiếp thị cho biết đã tiến hành triển khai kế hoạch dự phòng từ sớm để bảo đảm liên lạc cho khách hàng trong dịp Tết Canh Dần. Đảm bảo dung lượng mạng bằng việc hoàn tất mở rộng dung lượng tổng đài, đáp ứng được 200% nhu cầu so với ngày thường. Hoàn tất mở rộng hệ thống quản lý nhắn tin đáp ứng được 300% nhu cầu sử dụng so với thời điểm bình thường. Riêng hệ thống GPRS được mở rộng và nâng cấp đáp ứng tới 400%, dung lượng đường truyền từ mạng MobiFone ra internet tăng gấp 2 lần. Dung lượng kết nối hướng liên mạng từ mạng MobiFone ra ngoài tăng thêm tới 2.5Gb/s. Nhìn chung, theo công bố của các nhà mạng, việc nghẽn mạng, rớt sóng triền miên trong dịp Tết sẽ khó xảy ra.

Chuẩn bị gấp 3 vẫn... sợ “cháy”

Từ thực tiễn chống “cháy” sóng của các nhà mạng thấy rằng “lãnh địa” được ưu tiên vẫn là các thành phố lớn. Trong dịp Tết Nguyên đán, lượng lao động từ thành phố lớn sẽ bị chia nhỏ, cùng đó, gánh nặng về nghẽn sóng của các nhà mạng sẽ dàn trải trên toàn quốc, thay vì chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Từ đây, đặt ra câu hỏi liệu các “thượng đế” về quê có được cung ứng đầy đủ các dịch vụ của nhà mạng một cách hoàn hảo khi hệ thống hạ tầng không thể tốt bằng các thành phố lớn. Mối lo ngại thể hiện ngay trong thông báo của các nhà mạng với báo chí. Mặc dù nhà mạng nào cũng tuyên bố dung lượng có thể đáp ứng được 200%, thậm chí là 300% nhưng vẫn không quên “đính kèm” nhắc nhở, cùng các biện pháp chống nghẽn mạng.

Các nhà mạng khuyến cáo khách hàng thực hiện chống nghẽn mạng bằng cách sử dụng linh hoạt, hài hòa các hình thức liên lạc bằng điện thoại di động, điện thoại cố định, email hoặc điện thoại qua Internet để tránh “đứt đoạn” lời chúc đầu năm. Khi cuộc gọi “nhỡ” bị gián đoạn, khách hàng nên chờ ít phút trước khi bấm máy gọi lại. Những cuộc gọi hoặc tin nhắn chúc mừng năm mới dự định thực hiện vào thời điểm trước hoặc sau giao thừa, sáng sớm mùng Một Tết, khách hàng nên thực hiện trước hoặc sau những thời điểm đó để lời chúc được gửi trọn vẹn. Không nên gọi hoặc nhắn tin lại nhiều lần cùng lúc để tránh càng thêm nghẽn mạng. Nên tắt chế độ báo cáo  tin nhắn đi để giảm tải cho tổng đài. Trong trường hợp nhắn tin SMS bị chậm, nghẽn, khách hàng nên dùng MMS (multi media messages) để thay thế. Khi nhắn tin nên thực hiện dứt điểm từng tin nhắn một với số ký tự chỉ tới 160 theo hạn định của các mạng để gửi và nhận một cách thông suốt.