Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liệu có xảy ra chiến tranh liên Triều?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những tuyên bố đe dọa, những động thái huy động quân đội của CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc liên tiếp đưa ra trong những ngày qua khiến chính trường khu vực Đông Bắc Á trở nên nóng hơn bao giờ hết, thậm chí các bên liên quan đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho một kịch bản xấu nhất.

Chỉ vài ngày sau tuyên bố sẽ tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, Bình Nhưỡng đã cấm không cho các công nhân Hàn Quốc vào Khu công nghiệp Kaesong. Động thái này được các nhà phân tích cho là khá lạ lùng vì Bình Nhưỡng vừa thông qua chiến lược tăng cường phát triển kinh tế nhằm cải thiện đời sống của người dân. Trên thực tế, khu công nghiệp liên Triều Kaesong đã giải quyết việc làm cho khoảng 53.000 lao động Triều Tiên, đem về nguồn thu tiền mặt khoảng 80 triệu USD cũng như nhiều lợi ích khác về mặt tiếp cận công nghệ, phương thức sản xuất... Việc Bình Nhưỡng hôm 4/4 đe dọa sẽ đóng cửa vĩnh viễn khu công nghiệp này cho thấy, Triều Tiên có ý định “leo thang căng thẳng” thực sự với Hàn Quốc chứ không chỉ dừng lại ở những tuyên bố đe dọa chung chung.

Liệu có xảy ra chiến tranh liên Triều? - Ảnh 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát trận địa.

Giữa lúc những tranh cãi về quyết định đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong chưa chấm dứt, động thái điều động tên lửa tầm trung sang bờ biển phía Đông hướng đến Nhật Bản đã vấp phải phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin khẳng định, tên lửa mà Triều Tiên đã di chuyển không phải là tên lửa KN-08 và dù không thể chạm tới lục địa Mỹ nhưng có thể bắn tới căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam. Giới chức Hàn Quốc còn nhận định, Triều Tiên có thể bắn quả tên lửa này vào giữa tháng Tư, khi Bình Nhưỡng kỷ niệm sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Phản ứng trước động thái trên, Chính phủ Nhật Bản ngày 4/4 cho rằng, việc Bình Nhưỡng liên tục có những hành động khiêu khích là điều hết sức đáng tiếc và Tokyo đang chuẩn bị cho “kịch bản xấu nhất”. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết sẽ triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo mặt đất THAAD tới Guam, vốn cách Triều Tiên 3.380km về phía Đông Nam. Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình căng thẳng ngày càng leo thang sau khi Triều Tiên tuyên bố thông qua các kế hoạch tấn công hạt nhân nhằm vào các mục tiêu Mỹ. Phát biểu trong chuyến thăm Monaco, ông Ban cũng bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đối với các công nhân Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Kaesong, nơi cuối cùng níu giữ mối liên lạc thực tế giữa Bình Nhưỡng và Seoul.

Những diễn biến nhanh chóng trên khiến tình hình Đông Bắc Á trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Thùng thuốc súng tại bán đảo Triều Tiên liệu có phát nổ hay không vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ và nó đòi hỏi sự nỗ lực kiềm chế của các bên liên quan. Nếu không, hậu quả của cuộc xung đột liên Triều sẽ làm ngưng trệ sự tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.