Liveshow Chế Linh lần hai chưa trả tiền bản quyền

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) tố Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc chưa thanh toán tiền bản quyền khi tổ chức “Liveshow Chế Linh” tối 12/11 ở Hà Nội. Đại diện đơn vị này phàn nàn, con số VCPMC đưa ra là không thể chấp nhận.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC - cho biết, ngày 10/11, sau khi nhận được thông tin “Liveshow Chế Linh” sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 12/11 ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, VCPMC đã gửi công văn yêu cầu đơn vị tổ chức biểu diễn là Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc đến làm việc. Chiều ngày 11/11, ông Nông Xuân Ái - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc - đến gặp nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhưng hai người không thỏa thuận được về số tiền nên phía đơn vị tổ chức vẫn chưa thanh toán tiền bản quyền tác giả cho VCPMC.

Phía VCPMC yêu cầu Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc trả 5% của tiền bán nửa số ghế trong hội trường. “Chúng tôi đã rất nhân nhượng, coi như họ chỉ bán được 50% ghế - tương đương khoảng 2.000 vé. Mặc dù Chế Linh cũng là nhạc sĩ gửi ủy thác ở VCPMC (thông qua con trai là Chế Phi), chúng tôi vẫn chấp nhận không thu tiền những bài hát Chế Linh sáng tác dù số bài này chiếm tới nửa chương trình (hơn 10 bài). Tính ra, tổng số tiền đơn vị tổ chức phải nộp cho VCPMC là hơn 90 triệu đồng” - nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết. Căn cứ tính tiền bản quyền âm nhạc của VCPMC dựa vào nghị định 61 của chính phủ: Các chương trình ca nhạc phải trả 15-21% doanh thu cho các tác giả chương trình. Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, "tác giả chương trình" gồm: người sáng tác, người phối khí, người dàn dựng, biên đạo, biên kịch, họa sĩ, trong đó nhiều chương trình không có biên kịch, biên đạo nên tính ra tiền phải trả cho người sáng tác lẽ ra phải ở mức 10%.

Tuy nhiên, phía nhà tổ chức “Liveshow Chế Linh” lần hai không đồng ý với cách tính của VCPMC. Ông Nông Xuân Ái cho rằng, phía VCPMC đã đưa ra con số rất vô lý. “Không thể thu tiền bản quyền tác giả trên tổng tiền bán vé của chương trình vì chi phí cho mỗi địa điểm biểu diễn một khác. Khi tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, chúng tôi phải bỏ ra ít nhất 500 triệu đồng, chưa kể số tiền phải trả cho các sao tham gia là không nhỏ” - ông Ái chia sẻ. Vị giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc còn cho biết, sau khi không thỏa thuận được về việc tính theo phần trăm tiền bán vé, phía VCPMC đề nghị tính theo số bài hát với mức 4 triệu đồng mỗi bài. Tuy nhiên, đơn vị tổ chức chỉ đồng ý trả 300 nghìn đồng cho một bài theo mức thông thường áp dụng với các công ty tổ chức biểu diễn khác.

Vì thế, VCPMC không đồng ý cho đơn vị này sử dụng các tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ của VCPMC trong “Liveshow Chế Linh” tối 12/11. VCPMC đã gửi công văn đi nhiều nơi nhưng đêm nhạc vẫn diễn ra bình thường, với những ca khúc đã đăng ký.
 
Liveshow Chế Linh lần hai chưa trả tiền bản quyền - Ảnh 1
 
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Khi được hỏi về bản quyền tác giả những bài hát do chính ông sáng tác (với bút danh Tú Nhi), Chế Linh cho biết, ông chưa từng ủy quyền cho VCPMC hay bất cứ ai, kể cả con trai là Chế Phi, nên trung tâm này không có quyền thu tiền từ những tác phẩm của ông. Sáng tác của Chế Linh mới được cấp phép vào ngày 9/11.

Đây không phải là lần đầu tiên liveshow Chế Linh gặp trục trặc về vấn đề bản quyền. Trong buổi họp báo ngày 7/11 thông báo về việc hủy giấy tiếp nhận biểu diễn của công ty Bích Ngọc - đơn vị tổ chức liveshow Chế Linh lần một, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội cho biết, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam gửi đơn lên Sở về việc công ty Bích Ngọc chưa thực hiện nghĩa vụ bản quyền tác giả. Tuy nhiên, đơn vị tổ chức lại trưng ra hóa đơn đỏ đã đóng tiền cho cả hai show ở Đà Nẵng và Hà Nội từ ngày 21/9 (tổng cộng hơn 7,5 triệu đồng). Về vấn đề này, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho hay, công ty Bích Ngọc đã “lươn lẹo” bằng cách nộp tiền ở chi nhánh VCPMC Thanh Hóa với mức ưu tiên là 150 nghìn đồng một bài, trong khi chương trình toàn diễn ra ở các thành phố lớn với giá vé VIP lên tới 3 triệu đồng. Tính ra, tổng số tiền bản quyền nộp cho một đêm diễn chỉ hơn 3 triệu đồng, tương đương với một chiếc vé VIP. Chi nhánh VCPMC Thanh Hóa chưa kịp báo cáo lên trung tâm dẫn đến việc trung tâm bị một phen “tẽn tò”.

Ngoài liveshow Chế Linh, nhạc sĩ Phó Đức Phương còn cho biết, rất nhiều chương trình ca nhạc khác cũng quỵt tiền bản quyền bản quyền bằng nhiều cách: Không đến; đến xin biểu diễn 3 bài nhưng thực tế là 30 bài, xin biểu diễn 3 buổi nhưng kéo chương trình ra cả tháng; đến nhưng cố ý đưa ra giá không thể chấp nhận được để đổ lỗi cho thỏa thuận không thành. 97% đơn vị sau khi được Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa cấp phép đều không đến đóng tiền bản quyền cho trung tâm. “Chúng tôi mới là nơi cấp phép quyền sở hữu tác phẩm chứ không phải Cục hay Sở. Giấy phép của Cục hay Sở chỉ là cho phép biểu diễn ở địa điểm nào đó. Nên gọi đó là sự kiểm duyệt mới đúng. Chúng tôi kiến nghị Cục hay Sở chỉ cấp phép cho một đơn vị khi trong hồ sơ của họ đã có hóa đơn thanh toán tiền bản quyền” - ông Phó Đức Phương phát biểu.

Nghị định 47 của Nhà nước ban hành năm 2004 về “Quy chế hoạt động biểu diễn và Tổ chức nghệ thuật chuyên nghiệp” không bắt buộc các đơn vị tổ chức biểu diễn phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền tác giả. Theo ông Phó Đức Phương, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gây khó khăn cho trung tâm khi cho rằng, việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền của đơn vị tổ chức biểu diễn với VCPMC chỉ là quan hệ dân sự, phải tự giải quyết với nhau.

Nhạc sĩ Trên đỉnh Phù Vân đánh giá, quyết định cho phép tiếp tục biểu diễn liveshow Chế Linh ngày 12/11 cho thấy “Cục Nghệ thuật Biểu diễn rất thiếu nghiêm túc trong thực thi luật pháp và bảo hộ quyền tác giả”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần