Thiên thể dị thường nằm ở trung tâm của một chuẩn tinh - một nguồn phát xạ vô cùng mạnh, với năng lượng phát ra gấp một triệu tỉ lần Mặt trời.
|
Bản chất của các chuẩn tinh vẫn còn là một bí ẩn kể từ khi chúng được phát hiện lần đầu tiên năm 1963. Tuy nhiên, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, chúng do vật chất nóng lên tạo ra khi bị lôi kéo vào trong các lỗ đen siêu lớn ở trung tâm của những thiên hà xa xôi.
Lỗ đen quái vật mới phát hiện, ký hiệu SDSS J0100+2802, nằm cách Trái đất 12,8 tỉ năm ánh sáng và được hình thành 900 triệu năm sau vụ nổ Big Bang khai sinh ra vũ trụ.
Các nhà thiên văn học không thể lý giải cách một lỗ đen khổng lồ đến như vậy có thể hình thành rất sớm sau khi các ngôi sao và thiên hà đầu tiên xuất hiện.
Tiến sĩ Fuyan Bian, một thành viên nhóm khám phá đến từ Đại học quốc gia Australia, giải thích: "Việc hình thành một lỗ đen siêu khủng nhanh đến như vậy rất khó lý giải với các giả thuyết hiện có ... Lỗ đen này nằm ở trung tâm chuẩn tinh giành được khối lượng cực lớn chỉ trong một thời gian ngắn".
Chuẩn tinh là nguồn sáng rực rỡ nhất từng được phát hiện trong vũ trụ thuở sơ khai. Nó nổi bật như một thiên thể già cỗi và ở rất xa vì có hiện tượng chuyển về vạch đỏ của quang phổ, với số đo sự trải dài của ánh sáng tới ngưỡng đỏ của quang phổ thông qua sự giãn rộng của vũ trụ là 6,3.
Theo thống kê, chỉ 40 chuẩn tinh đã biết có chỉ số chuyển về vạch đỏ của quang phổ cao hơn 6, mức được sử dụng để định nghĩa ranh giới vũ trụ thời kỳ đầu.
Giáo sư Xue-Bing Wu, người đứng đầu nghiên cứu đến từ Đại học Bắc Kinh, cho biết, chuẩn tinh mới phát hiện rất đặc biệt, giống như ngọn hải đăng sáng rõ nhất ở vũ trụ xa xôi. Ánh sáng phát tỏa của nó sẽ giúp chúng ta thám hiểm nhiều hơn về vũ trụ thuở ban đầu. Chuẩn tinh này cũng sẽ đóng vai trò như phòng thí nghiệm để các nhà khoa học nghiên cứu về cách lỗ đen và thiên hà dung chứa nó đồng tiến hóa như thế nào.