Vậy, thực hư của sự việc này như thế nào?
Qua điều tra, cho thấy, khu vực bãi bồi sông Hồng tại khu đất bãi giáp ranh giữa xã Cẩm Đình (Phúc Thọ) và các xã Đại Tự, Liên Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) vẫn còn tồn tại hàng chục lò gạch "nhả khói". Một người dân xã Cẩm Đình cho biết: "Mặc dù đã có lệnh cấm, nhưng nhiều lò gạch thủ công ở đây vẫn hoạt động khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khói lò xả ra làm hoa màu, cây cối bị héo úa và năng suất bị sụt giảm rõ rệt... Mặc dù Khu dân cư nằm cách xa lò gạch khoảng 1km nhưng khi đốt lò, khói vẫn theo gió bay vào làng khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Thực tế, nhiều nhà dân phải may bạt vải chắn ở ngoài hiên để ngăn khói".
Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, ông Khuất Duy Hùng - Phó Trưởng Phòng quản lý đô thị huyện Phúc Thọ cho biết, sau khi có Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xóa bỏ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, UBND huyện Phúc Thọ đã đôn đốc, thuyết phục các hộ dân có lò gạch thủ công phải dỡ bỏ. UBND huyện Phúc Thọ đã tổ chức nhiều hội nghị thuyết phục các hộ dân chuyển đổi mô hình sản xuất hoặc áp dụng công nghệ xử lý khói lò thủ công Bách khoa. Kết quả, trên địa bàn huyện không còn lò gạch thủ công hoạt động. Việc còn nhiều vỏ lò gạch đốt thủ công đã ngừng hoạt động nhưng còn tồn tại là do huyện chưa tìm được nguồn kinh phí (khoảng 8 tỷ đồng) hỗ trợ dỡ bỏ.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về thực tế tại khu vực bãi nổi địa bàn xã Cẩm Đình giáp ranh với xã Đại Tự (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) lò gạch vẫn đang "nhả khói", ông Khuất Duy Hùng khẳng định: Số lò gạch nằm trên địa bàn huyện Phúc Thọ đều đã được chuyển đổi sang công nghệ xử lý khói thủ công đúng quy định. Lò gạch thủ công và các máy móc đang hoạt động theo phản ánh là thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước những bất cập trên, UBND huyện Phúc Thọ đang đề nghị với UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định rõ ranh giới giữa hai địa phương để tiện quản lý.
Ông Nguyễn Chí Thiết - Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận, việc các lò gạch thủ công hoạt động đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cũng như kết quả sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ gia đình. Do vậy, UBND huyện Yên Lạc sẽ yêu cầu các lò tháo dỡ xong trong tháng 3/2014. Sau khi công việc tháo dỡ hoàn thành, UBND huyện Yên Lạc sẽ gửi văn bản đề nghị các huyện giáp ranh xử lý những lò gạch thủ công còn "nhả khói", tránh ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân trong khu vực.
Việc hàng chục lò gạch thủ công vẫn ngày đêm "nhả khói" thuộc địa bàn giáp ranh huyện Phúc Thọ và Yên Lạc gây ô nhiễm môi trường đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất nông nghiệp của người dân. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Phúc Thọ phối hợp với địa bàn bạn có hướng xử lý nhằm "xóa sổ" những lò gạch thủ công, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân địa phương.
Lò sản xuất gạch nung theo công nghệ xử lý khói thải không gây ô nhiễm môi trường ở xã Cẩm Đình. Ảnh: Lê Đạt
|